Nhà thầu lơ là đảm bảo ATGT
Ngày 27/3, PV Báo Giao thông đi dọc tuyến Văn Yên (Yên Bái) nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) đoạn qua địa phận huyện Văn Yên.
Trong quá trình thi công dự án hầu hết các nhà thầu đều không cắm cọc, căng dây phản quang và bổ sung biển báo giao thông để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Điều đáng nói, nhiều điểm bị sụt ta luy dương được cảnh báo sơ sài hoặc những chỗ vực sâu cũng không được lắp hệ thống cảnh báo.
Tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) được khởi công từ 1/1/2022. Tuyến có chiều dài gần 69km được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng.
Tuyến đường do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện hợp đồng 1.080 ngày.
Hình ảnh nhiều điểm mất ATGT do đơn vị thi công không cắm cọc, căng dây phản quang và bổ sung biển báo giao thông.
Điển hình tại Km 16+928 đến Km 17+590, một bên ta luy dương, một bên vực sâu vài chục mét có hiện tượng sạt lở do Công ty CPXD Tân Hà An đảm nhận thi công. Còn tại vị trí Km 20+600 do Công ty TNHH Đồng Tiến thi công cũng không có hệ thống cảnh báo ATGT, gây nguy hiểm cho người và phương tiện mỗi khi qua lại.
Chị Lý Thị Viễn (ở thôn ở Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bức xúc nói: "Không hiểu tại sao đơn vị thi công lại không có hệ thống biển báo hiệu ATGT cho người dân biết. Như người lớn đi lại còn thấy sợ huống hồ các cháu học sinh hằng ngày phải qua đây. Tôi chỉ mong đơn vị chủ quản cần có biện pháp khắc phục để người dân được đi lại an toàn".
Gói thầu số 12 (lý trình Km 9+200m - Km 27+00m) do Liên danh Công ty CP Xây dựng giao thông Yên Bái - Công ty TNHH Nam Thái thực hiện hơn 93,457 tỷ đồng.
Gói thầu số 13 (lý trình Km 27+00m - Km 42+518,67m) do Liên danh Công ty TNHH Linh Huy Hoàng - Công ty CP Xây dựng Thịnh Hưng Yên Bái - Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Tiến Đạt thực hiện hơn 71,786 tỷ đồng.
Gói thầu số 23 (đoạn từ lý trình Km30 - lý trình Km40) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tư vấn Trường Sơn trúng thầu 308,804 tỷ đồng.
Gói thầu số 24 (đoạn từ lý trình Km 40 - lý trình Km 50) do Liên danh Công ty TNHH Đồng Tiến - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng - Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng CCS trúng thầu 208,237 tỷ đồng.
Gói thầu số 25 (đoạn từ lý trình Km 60 - lý trình Km 68+950m) do Liên danh Công ty CP Xây dựng giao thông Yên Bái - Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng CCS trúng thầu 165,396 tỷ đồng.
Ông Lương Văn Thu (Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Chúng tôi thấy các đơn vị thi công trên tuyến đều không bố trí biển báo, trong khi đây là con đường độc đạo người dân phải đi qua để ra tới trung tâm huyện Văn Yên. Đã có nhiều lần chúng tôi kiến nghị nhưng chưa thấy nhà thầu bổ sung.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Việt Hóa, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái cho biết, qua phản ánh, đơn vị đã nắm được thông tin về quá trình thi công dự án.
Theo ông Hóa, sau tiếp nhận thông tin chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà thầu khẩn trương cắm cọc, căng dây phản quang và bổ sung biển báo giao thông để đảm bảo ATGT những đoạn nguy hiểm ngay.
Chúng tôi sẽ làm việc với nhà thầu để giám sát, đôn đốc bổ sung các biện pháp nhằm đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công", ông Hóa cho biết.
Người dân vẫn phải đi mảng qua suối
Có mặt tại Km15, cầu Ngòi Hút, cây cầu nằm trên tuyến đường liên tỉnh kết nối Sơn La, Lai Châu và Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo người dân, trước kia từng có nhiều cây cầu tạm bợ bắc qua dòng suối này, nhưng mỗi mùa mưa lũ đến những cây cầu tạm này đều bị dòng nước xiết cuốn trôi. Người dân đi lại vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Chị Lường Thị Lan (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Nếu hôm nào nhà máy thủy điện không xả nước thì chúng tôi có thể đi xe máy qua bờ bên kia. Còn khi nước cao như này bắt buộc phải đi bằng những chiếc bè tre này. Người dân nơi đây từ rất lâu đã mong mỏi có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận tiện, an toàn mỗi mùa mưa lũ".
Được biết, cầu Ngòi Hút có chiều dài 170m, chiều rộng 9m, gồm 2 mố và 3 trụ cầu. Tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2023, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Yên Bái, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái. Nhiều hạng mục chính của công trình cầu Ngòi Hút đã hoàn thành, chỉ còn một số phần việc như mặt đường, hệ thống thoát nước, lan can vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện.
Anh Vũ Đình Đạt, Công ty CP Xây dựng giao thông Yên Bái đơn vị thi công cho biết: "Công nhân đang khẩn trương hoàn thiện phần mặt cầu, lan can và một số hạng mục phụ trợ. Nếu không bị mấy tháng mùa mưa năm ngoái gây ảnh hưởng đến thi công thì chúng tôi đã hoàn thành cây cầu này sớm hơn.
Nhưng cũng chỉ khoảng 1 tháng nữa là bà con hai bên bờ suối có thể yên tâm đi lại trên cầu vào dịp 30/4-1/5 và không phải đi mảng gỗ và cầu treo nữa".
Một số hình ảnh do PV Báo Giao thông ghi nhận tuyến đường vào ngày 27/3:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận