Sạt lở chia cắt nhiều tuyến QL, tỉnh lộ, một số tuyến đường huyện, xã bị tê liệt
Sáng 13/9, sạt lở đất đá tiếp tục xảy ra ở một số điểm tại Km 120-130 tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Trà Vân (huyện Nam Trà My).
Tương tự trên tuyến QL14B, mưa từ núi chạy tràn mặt đường, kèm theo đất đá tại Km 60+180 (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) nước ngập sâu 0,4m, kéo dài 8m và tại Km 69+400 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) nước ngập sâu 0,45m, kéo dài 10m.
Sạt lở đất xảy ra trên tuyến ĐT 606 tại Km 51+450 địa bàn huyện biên giới Tây Giang
Ghi nhận dọc tuyến QL40B, tại Km 110+600 (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) mưa to làm đất đá chảy tràn mặt đường dày trung bình khoảng 0,30m. Nguy cơ sạt lở, đất đá vùi lấp mặt đường, chia cắt giao thông khu vực các địa bàn vùng núi.
Không chỉ ở các tuyến QL, mưa lớn cũng gây ngập sâu, sạt lở đất đá trên các tuyến đường tỉnh lộ ở Quảng Nam, như tuyến ĐT.606, ĐT.603B, ĐT.611, ĐT.615... Nhiều điểm sat lở, ngập lụt nặng như: trên tuyến ĐT.606, tại Km 8+500 (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) sạt lở taluy dương, đất tràn toàn bộ mặt đường; tại Km 17+250 (cầu Bahlừa) nước ngập sâu khoảng 0,50m và Km 17+650 (ngầm tràn, địa phận xã Lăng, huyện Tây Giang) nước ngập sâu khoảng 0,40m, nước chảy xiết, gây ách tắc giao thông.
Trên tuyến ĐT.611 đoạn Km 32+700 - Km 34+400 (xã Quế Lộc,huyện Nông Sơn) nước ngập sâu 0,20-0,6m; ở tuyến ĐT.615 đoạn Km 7+450 - Km 8+100 (đoạn Cầu Mỹ Cang, xã TamThăng, TP Tam Kỳ), nước ngập 0,40-0,5m.
Mưa lũ tiếp tục gây xói lở nghiêm trọng các tuyến đường ở huyện miền núi Phước Sơn
Theo Sở GTVT Quảng Nam, trên tuyến ĐT.606: Sạt lở taluy dương 11 vị trí, khối lượng ước tính 2.820m3; tại tuyến ĐT.612 sạt lở taluy âm tại Km 3+420, dài 30m. Giao thông trên nhiều tuyến đường huyện, liên xã tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn bị chia cắt, giao thông tê liệt, một số khu vực dân cư bị cô lập.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho hay: Tại những vị trí ngập sâu, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng chốt gác không để người và phương tiện liều lĩnh băng qua. Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện phương án “4 tại chỗ” khẩn trương khắc phục vị trí bị sạt lở để đảm bảo giao thông bước một thông suốt, an toàn.
Lực lượng địa phương cắt cử người trực phòng tại các điểm tuyến đường vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị ngập nước, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.
Sơ tán dân khỏi vùng sạt lở, xung yếu, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngày 12/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mưa lớn xảy tại thôn 1 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) làm đất đá sạt lở đè tường nhà 2 hộ dân và một số hộ dân tại thôn 4 bị nước xói đến sát nhà. Để đảm bảo an toàn tính mạng, lực lượng địa phương cùng người dân tháo dỡ, chuyển tài sản ra đến nơi an toàn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, hiện địa phương đã di dời 230 hộ với 1.088 nhân khẩu trên địa bàn 7 xã của huyện, cùng một số công nhân thi công công trình ở một số xã về trú bão ở các điểm nhà làng và nơi đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít người dân đi làm rẫy chưa về nhà đã và đang được lực lượng chức năng liên lạc, vận động không đi qua sông suối, tìm nơi trú bão an toàn. Chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng tổ chức chốt chặn đảm bảo an toàn cho người dân tại các tuyến giao thông ngập sâu, sạt lở.
Mưa chảy tràn mặt đường liên xã ở huyện miền núi Nam Trà My
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, tính đến sáng nay, Quảng Nam đã tổ chức sơ tán cho tổng cộng 2.957 hộ với 9.116 khẩu tập trung trên địa bàn thành phố Hội An, Tam Kỳ, Nam Trà My, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và một số huyện miền núi.
Mưa lũ cũng đã khiến 2 ghe máy công suất nhỏ (dưới 20CV) của huyện Núi Thành bị chìm. Ngoài ra, kè chợ Hội An bị sụt lún khoảng 5m trên bề mặt, tạo hàm ếch. Công trình bờ kè khu tái định cư giai đoạn 3 thuộc dự án tuyến QL1 (Cây Cốc - Võ Chí Công, thuộc huyện Thăng Bình) bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến nhà dân đang thi công.
Hiện mưa lũ đã gây ngập úng hàng ngàn ha lúa ở Quảng Nam, cụ thể: thị xã Điện Bàn 850ha, huyện Quế Sơn 283,70ha, Duy Xuyên 368ha, Thăng Bình 299ha, Núi Thành 406ha, Hội An 200ha, Phú Ninh 204ha, Đại Lộc 246ha, Hiệp Đức 25ha và TP. Tam Kỳ 287ha.
Những khối đá lớn vùi lấp, chắn ngang tuyến đường ĐT606 ở Tây Giang
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, thời gian tới có thể tiếp tục xảy ra mưa lớn tại khu vực, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gửi đến các tinh/thành, cơ quan, đơn vị yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ.
Chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân. Trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.
Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, các ngành, địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận