Lực lượng TTGT đang kiểm tra các phương tiện thủy nội địa nhiều “không” |
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.600 phương tiện thủy nội địa hoạt động. Qua báo cáo từ địa phương, hiện có 359 phương tiện thủy nội địa chưa đăng kiểm, đăng ký; Nhưng khảo sát của sở GTVT thực tế con số này là khoảng trên 700 phương tiện. Địa phương đang tăng cường xử lý các phương tiện này.
Tàu nhiều “không” vô tư hút cát
Vào ngày cuối tháng 2, PV Báo Giao thông tham gia cùng đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa, xuất phát từ chân cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) ngược dòng sông Mã lên hướng huyện Thiệu Hóa để kiểm tra hoạt động thủy nội địa trên sông.
Đi được khoảng 10 phút, chiếc tàu của TTGT áp sát một chiếc tàu đang hút cát thuộc địa phận xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa). Thấy lực lượng chức năng bất ngờ xuất hiện, những người làm việc trên tàu vội tắt máy, thu ống hút lên. Khi lực lượng TTGT hỏi chủ tàu thì một người trong nhóm có mặt nói là chủ tàu không ở đây, chỉ có lái tàu.
Tính từ ngày 22/2-1/3, lực lượng TTGT Thanh Hóa đã lập biên bản và xử lý 26 trường hợp phương tiện thủy nội địa vi phạm lỗi không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, phạt tiền gần 100 triệu đồng. |
Anh Dương Sỹ Hòa (29 tuổi, ở Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi lái tàu này và chở thuê cho một người tên Thành, ông chủ bảo lái tàu thì lái chứ những việc khác bọn em không biết được”. Lái tàu Hòa không cung cấp được bất cứ giấy tờ gì về chiếc tàu, bản thân anh Hòa cũng không trình được chứng chỉ lái tàu.
Trước sự việc này, lực lượng TTGT đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; Đồng thời, tuyên truyền, đốc thúc lái tàu cần sớm hoàn thiện hồ sơ làm đăng ký, đăng kiểm.
Tương tự, khi kiểm tra các tàu của anh Nguyễn Viết Hùng (SN 1995, ở Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) và tàu của anh Ngô Văn Hợp (SN 1985, ở Giang Thanh, xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) cũng đều không có bất cứ thông tin gì về chiếc tàu đang hoạt động hút cát; Các lái tàu thì không có chứng chỉ hay bằng lái; Có trường hợp lái tàu bảo “có chứng chỉ nhưng ông chủ cầm hết”.
Có một điểm chung, khi bị kiểm tra, người trên tàu liên tục lấy máy điện thoại gọi điện cho ông chủ tàu hay chủ bãi cát để cầu cứu.
“Làm thuê nên bảo gì làm nấy”
Tiếp tục cuộc hành trình kiểm tra trên sông Mã, chủ tàu hút cát Trần Văn Điệp (SN 1990, ở Giang Thanh, Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) cho biết: “Tàu này em mua lại cách đây mấy năm với giá khoảng 600 triệu đồng. Do cuộc sống khó khăn nên cả gia đình kéo nhau lên tàu ở và đi chở cát thuê cho các chủ mỏ. Mỗi ngày em chỉ chở được 1 chuyến”.
Theo anh Điệp, hiện trên tàu có bố mẹ, vợ và hai con, cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình đều ở trên tàu. Anh Điệp thừa nhận, chiếc tàu và bản thân mình không có bất cứ môt loại giấy tờ, chứng chỉ nào.
Anh Lê Văn Nhật (SN 1986, ở Giang Thanh, Thiệu Khánh) cho hay, anh mua sắt rồi ra Nam Định đóng chiếc tàu này được hai năm, giá trị lúc đó khoảng gần 1 tỷ đồng nhưng không có hồ sơ nên không làm đăng ký, đăng kiểm. Anh Nhật cũng chưa có bằng lái. “Để tôi điện cho các ông chủ mỏ xem xử lý như thế nào, chứ bọn tôi chỉ là dân làm thuê, bảo sao làm nấy, việc này các bác ấy đứng ra xử lý”, anh Nhật nói.
“Nếu mà nói giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, bằng lái thì cả dòng sông này không ai có hết, may ra có vài người có chứng chỉ lái tàu. Tàu thuyền cứ mua đi bán lại rồi đem về sử dụng thôi”, anh Nhật thẳng thắn.
Ngày 20/2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát trái phép trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc Công an tỉnh, Sở GTVT Thanh Hóa chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường công tác TTKS hoạt động của các phương tiện đường thủy; Kiên quyết xử lý những trường hợp các tàu, thuyền không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn hoạt động. Sau ngày 28/2, nếu phương tiện đường thủy không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn lưu thông trên các tuyến đường thủy nội địa thì Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Sở GTVT phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận