Người dân Xuân Lũng qua lại chật vật và đầy nguy hiểm trên cây cầu tạm bắc qua sông Kỳ Cùng |
“Con không sợ, ngày nào con cũng đi học qua cây cầu này mà”, đó là câu trả lời hồn nhiên của cô bé 7 tuổi người dân tộc Tày khi đang đi vắt vẻo trên cây cầu tạm được kết bằng tre trên sông Kỳ Cùng (thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Xuân Lũng giống như một “ốc đảo” biệt lập với thế giới bên ngoài nếu mưa dài ngày. Địa hình ở đây một mặt dựa lưng vào núi đá vôi cao vút, một mặt hướng ra sông Kỳ Cùng. Người dân nơi đây hàng ngày vẫn bám sông, bám núi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhưng cái khó không thể vượt lên khi con đường nối giữa Xuân Lũng với thôn Nà Lốc, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan để tới trung tâm TP Lạng Sơn thường xuyên bị ngăn cách bởi dòng nước siết của con sông Kỳ Cùng.
Chị Hà Thị Vân, người dân sống ở đây cho biết, do không có đường nên nhà có 2 cái xe máy phải gửi lại ở xã bên, mỗi khi đi đâu thì chị lại đi bộ qua sông lấy xe máy đi tiếp. Vì sông sâu cách trở, nên muốn làm ăn, phát triển kinh tế đều rất khó. Thậm chí, mỗi khi nước lớn đã có người bị cuốn trôi theo dòng nước, trẻ con đi học vất vả.
Trước đây, để vượt sông, mỗi gia đình đều tự dùng cây tre kết lại thành mảng chèo qua, chèo lại dưới sông. Việc dùng bè mảng qua sông tốn nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy hiểm nên người dân Xuân Lũng đã đóng góp tre, xin dây cáp điện hỏng của viễn thông rồi ghép các mảng tre lại tạo thành cây cầu. “Bà con thôn Xuân Lũng đã quen với việc vượt sông bằng cây “cầu nổi”, mùa mưa lũ nước sông dâng cao, chảy siết hơn nên dây cáp thường bị đứt gây chia cắt hai bờ”, ông Tô Văn Tiến, một người dân xã Bình Trung cho hay.
Những ngày này, mưa gió thất thường, việc đi lại của người dân càng thêm vất vả. Nhìn những đứa trẻ tíu tít băng qua sông sau mỗi giờ tan học chẳng một chút sợ hãi, bởi chúng đã quá quen với việc di chuyển trên những cây tre được ghép lại với nhau một cách tạm bợ. Chị Vi Thị Lả hàng ngày qua lại trên cầu nhưng phải thốt lên “sợ lắm” khi được hỏi cảm giác phải “đánh đu” trên cây cầu tạm này.
Ông Lăng Văn Khiêm, Bí thư Đoàn xã Bình Trung cho hay, thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hiện có 67 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu nhưng có tới hơn 40 hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng. Do địa hình bị cách trở bởi sông Kỳ Cùng, lại không có cây cầu kiên cố qua sông, nên người dân nơi đây không thể phát triển kinh tế, nông sản, vật nuôi làm ra cũng khó tiêu thụ, thương lái không thể vận chuyển hàng hóa ra bên ngoài. Ngay cả việc học hành của trẻ em cũng rất vất vả vì phải qua lại trên cây cầu này, rất nguy hiểm và vào mùa mưa lũ cầu đứt chia cắt đôi bờ là trẻ em phải nghỉ học. Vì vậy, người dân ở đây hàng ngày đều mong mỏi có 1 cây cầu để người dân ổn định cuộc sống, phát triển KT-XH và đảm bảo ATGT.
Được biết, năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận bổ sung danh mục cầu dân sinh vượt sông Kỳ Cùng đoạn qua thôn Xuân Lũng với hình thức cầu treo và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2019. Trong thời gian chờ đợi thi công cầu, hàng ngày, bà con Xuân Lũng vẫn thấp thỏm với nỗi lo thường trực về việc di chuyển qua cây cầu tạm bợ được kết bằng bè tre. Khi mùa mưa lũ đến, nước sông Kỳ Cùng dâng cao, Xuân Lũng vẫn là “ốc đảo” cách biệt với thế giới bên ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận