Theo phản ánh, nhiều năm qua tuyến đường nhựa nối Tỉnh lộ 9 và Quốc lộ 26 bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân luôn phải sống trong cảnh “bì bõm” lội nước và bụi mù mịt gây ô nhiễm, mất ATGT.
Đây cũng chính là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm chợ Hòa An và UBND xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều năm qua, người dân "đánh vật" trên con đường đầy "ổ voi", ngập nước. Ảnh: Ngọc Hùng
Ghi nhận của PV, tuyến đường bắt đầu từ chợ Hòa An chạy ra UBND xã Hòa An, mặt đường nhựa đã bong tróc, lởm chởm đá và chằng chịt “ổ voi”.
Nhiều đoạn, mặt đường xuất hiện những “hố bom” sâu hoắm, khi trời mưa xuất hiện khiến người dân không thể đi lại.
Trong khi đó, trời nắng thì bụi cuốn lên mù mịt, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai bên đường và những người tham gia giao thông.
>>> VIdeo: Người dân "đánh vật" trên con đường đầy "ổ voi", ngập nước
Theo người dân địa phương, họ đã sống chung với cảnh “nắng bụi mưa lầy” trong nhiều năm qua. Đây là tuyến đường trung tâm xã nhưng đường sá hư hỏng, lầy lội khiến hàng quán, cửa tiệm buôn bán ế ẩm, vắng khách.
Nhiều người dân không chịu được cảnh trên đã treo biển bán nhà hoặc đi nơi khác thuê nhà để ở, ổn định cuộc sống.
Nhà dân phải đóng cửa vì những hố nước sâu án ngữ trước nhà. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Trần Ba, Bí thư xã Hòa An cho hay, thực tế tuyến đường hư hỏng, xuống cấp đúng như phản ánh của người dân. UBND xã ghi nhận và đang xin ý kiến của huyện hỗ trợ để thực hiện sửa chữa. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của huyện đang còn khó khăn nên chưa bố trí được.
Mặt đường bong tróc, tạo thành những hố nước sâu. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Nguyễn Đoàn, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Krông Pắk cho biết: “Đây là tuyến đường cấp xã, do xã quản lý. Xã chịu trách nhiệm về việc đường hư hỏng của mình. Hàng năm, xã được hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
Nhiều vị trí mặt đường nhựa bong tróc, lởm chởm đá. Ảnh: Ngọc Hùng
Đến nay, huyện chưa nhận được phản ánh liên quan đến việc hư hỏng tuyến đường trên. Hơn nữa, việc đầu tư nâng cấp sửa chữa đường giao thông là do UBND xã tự quyết định và đăng kí lên huyện. Hàng năm huyện đi kiểm tra, khảo sát theo thứ tự ưu tiên sẽ bố trí vốn thực hiện. Huyện không thể đi kiểm tra từng tuyến một, trừ trường hợp cấp bách thiên tai thì huyện mới đi kiểm tra, nếu có hỏng hóc cho khắc phục ngay”.
Tuyến đường xuống cấp, lầy lội gây mất ATGT, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng
“Riêng tuyến đường này, trong danh mục đầu tư, Phòng KTHT đã kiến nghị UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp mới, do tuyến đường đầu tư đã lâu và xuống cấp”, ông Đoàn khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận