Hết lo vượt ẩu lại sợ "rùa bò"
Những ngày trung tuần tháng 3/2024, PV Báo Giao thông nhiều lần trực tiếp cùng anh Đặng Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Nguyên Hoàng, Liên Chiểu, Đà Nẵng - chuyên tư vấn, thi công hệ thống ATGT điều khiển xe ô tô 7 chỗ qua lại trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. So với cao điểm Tết, lượng xe trên tuyến không còn nhộn nhịp. Nhưng ở các đoạn cao tốc phân kỳ đầu tư (2 làn), nhiều đoàn xe 3 - 5 chiếc nối nhau chạy sau xe tải nặng diễn ra phổ biến.
Khoảng 10h15 ngày 14/3, xe của chúng tôi vào nút giao cuối tuyến La Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) chạy về đầu tuyến Cam Lộ (Quảng Trị). Vận tốc quy định tối đa 80km/h, tối thiểu 60km/h, chỉ được phép vượt ở các đoạn 4 làn và nơi sơn tim đường nét đứt, có biển báo cho phép.
Vừa vượt qua các xe đầu kéo BKS 51R - 250.62, xe tải BKS 69C - 127.09… ở đoạn 4 làn, anh Hoàng chạy chừng vài trăm mét, buộc phải đi dưới tốc độ cho phép khi gặp xe tải BKS 75C - 000.75 lưu thông cùng chiều ở đoạn Km 96. Suốt hành trình cả cây số ở đoạn cao tốc 2 làn này, tốc độ trên xe anh Hoàng chỉ duy trì 45 - 50km/h bởi không thể vượt xe tải đang chạy chậm trước mặt.
Đến đoạn Km 76, xe chúng tôi tiếp tục phải giảm tốc độ xuống dưới 50km/h do gặp xe bồn BKS 51R - 223.11 và xe container BKS 60R - 045.59 lưu thông cùng chiều. Tương tự, dọc cao tốc 2 làn các đoạn Km 72, Km 46… anh Hoàng liên tục giảm tốc độ xuống 50 - 55km/h, thậm chí có thời điểm dưới 40km/h, do gặp loạt xe tải chạy với tốc độ chậm.
Hơn 12h30 cùng ngày, anh Hoàng mới đến cuối nút giao Cam Lộ. Đáng nói, trên hành trình gần 100km, PV gần như không ghi nhận được trường hợp vượt ẩu, nhưng xe "rùa bò" diễn ra phổ biến.
Tài xế dễ sinh tâm lý ức chế
Theo anh Hoàng, sau khi xảy ra một số vụ TNGT và lực lượng CSGT xử phạt nghiêm, tình trạng xe vượt sai quy định giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc liên tục gặp các xe tải nặng chạy chậm, nếu không giữ bình tĩnh, tài xế dễ ức chế và tìm cách vượt ẩu. Thực tế trên đường cho thấy, xe chạy chậm chủ yếu do chở hàng quá nặng, xe xuống cấp, máy yếu…
Vừa kết thúc chuyến hàng chở dăm gỗ từ Km 40 trên QL9 (Cam Lộ), qua cao tốc Cam Lộ - La Sơn về Chân Mây (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), ông Lê Văn Quyền (trú TP Huế), chủ xe đầu kéo BKS 43C – 199.xx cho biết, xe chở dăm được khoảng 30 tấn, không quá tải, nhưng chỉ các đoạn xuống dốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới có thể đạt tốc độ 70 - 80km/h, còn lại khi lên dốc chỉ đạt 40 - 50km.
"Xe tôi niên hạn 2014, thường xuyên bảo dưỡng nhưng đạp "cháy ga" cũng không thể đạt tốc độ 60km/h khi lên dốc. Các xe càng chở quá tải thì chạy càng chậm hơn", ông Quyền nói.
Nhiều tài xế xe con cho hay, việc phải đi sau các phương tiện có vận tốc thấp trong thời gian dài, gây ức chế tâm lý, dẫn đến vượt ẩu, trái quy định, sang làn đối diện gây nguy cơ TNGT đối đầu.
Theo chuyên gia đăng kiểm, xe tải chạy chậm do quá tải hoặc do tình trạng kỹ thuật của phương tiện hay cả hai nguyên nhân trên. Nếu tài xế cố đạp ga để tăng tốc sẽ dẫn đến hư hỏng động cơ, xe dừng đột ngột, gây nguy hiểm cho các phương tiện lân cận, mất ATGT.
Rà soát phân luồng xe tải trên 10 tấn
Theo lãnh đạo Ban QLDA Đường HCM, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có thiết kế độ dốc lớn nhất 5%, đảm bảo yếu tố hình học, độ dốc dọc cho vận tốc khai thác đến 100km/h theo tiêu chuẩn. Qua công tác đếm xe, phân loại phương tiện cho thấy, tình trạng xe tải nặng chạy chậm diễn ra phổ biến, dẫn đến ùn ứ, không đảm bảo tốc độ thông hành cho các phương tiện khác.
Ông Nguyễn Hồng Trung, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Trường Sơn (chủ nhiệm đồ án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) cho hay, kết quả đếm xe các ngày 15-17/3, tại Km 0+20, lượng trung bình xe qua cao tốc Cam Lộ-La Sơn đạt gần 10.000 xe quy đổi/ngày đêm, tiệm cận năng lực thông hành tối đa của đường ô tô 2 làn xe theo tiêu chuẩn Việt Nam và dự báo.
Đáng kể, loại xe tải trọng lớn (xe tải từ 3 trục trở lên, xe khách) chiếm đến gần 60% tổng số xe lưu thông. Loại xe này đổ dồn lên cao tốc nên cần các giải pháp phân luồng phương tiện giữa cao tốc và QL1.
Theo lãnh đạo Khu QLĐB II (Cục Đường bộ VN), việc phân luồng phương tiện không phải sau các vụ TNGT mới được đề xuất. Thực tế, Huế đã cấm xe tải trên 10 tấn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời điểm giữa năm 2023 khi thi công xử lý điểm sụt trượt taluy dương Km 69+900, giải phóng ùn ứ nhanh khi thông xe trở lại, đảm bảo tiến độ thi công và ATGT trên tuyến.
Theo thiếu tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Cục CSGT), thời gian qua, đơn vị xử lý 120 trường hợp vi phạm vượt sai quy định, 53 trường hợp chạy quá tốc độ quy định. Sắp tới, đội sẽ mở chuyên đề xử lý xe quá tải, "rùa bò" trên cao tốc này.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN cho hay, cần tính tới hạn chế xe tải trọng lớn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tuy nhiên phải có đánh giá, khảo sát kỹ càng, cụ thể, nhất là làm rõ tỷ lệ phương tiện xe tải trên địa bàn.
Theo Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường, đơn vị này đã phối hợp các đoàn liên ngành để rà soát và đang gấp rút triển khai các giải pháp điều chỉnh, bổ sung hệ thống ATGT, biển báo, sơn kẻ vạch đường, đinh phản quang, mở rộng dải dừng xe khẩn cấp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Đồng thời, chỉ đạo Ban QLDA đường HCM, Khu QLĐB II tổ chức đếm xe, phân loại phương tiện, nghiên cứu phân luồng các xe tải trên 10 tấn không đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn để đi vào QL1. Thực tế, giải pháp này không mới và đang được triển khai trên cao tốc Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu.
Theo luật sư Lê Cao, luật sư điều hành Công ty Luật Hợp danh FDVN, Đoàn Luật sư Đà Nẵng, đường cao tốc không cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
Trường hợp vi phạm chạy dưới tốc độ cho phép sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, nếu gây TNGT bị tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Trường hợp xe tải nặng không thể tuân thủ giới hạn tốc độ tối thiểu, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, điều chỉnh biển báo tốc độ cho phù hợp hoặc không cho các phương tiện chưa phù hợp lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận