• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

Nghề gác chắn và nỗi ám ảnh bị hành hung

18/04/2017, 12:50

Không chỉ vất vả, những nhân viên gác chắn còn đối mặt với nguy cơ mất ATGT, thậm chí bị hành hung.

15

Đội phó Đội Chắn đường ngang Giáp Bát Nguyễn Văn Trung kể lại anh bị hai tài xế ô tô tải hành hung khi yêu cầu không đỗ xe trên đường ngang gần Bệnh viện Bạch Mai

Tấn công cả phụ nữ mang thai

Gần một tuần lễ sau khi bị một lái xe hành hung, chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Đội Chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty CP Đường sắt Hà Hải) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Hà kể, hồi 8h20 ngày 11/4, tại đường ngang có người gác Định Công (Km 4+300 tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM), khi đang thao tác chắn tàu, chị bị một lái xe chửi bới, sau đó lao vào đánh khiến chị bị choáng, mặt sưng, xước và thâm tím. Chị đang mang bầu 6 tháng nên lúc này càng lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Nguyên do xảy ra vụ việc bởi lái xe cho rằng, quá trình thao tác đóng chắn làm xước sơn ô tô. “Sau khi hành hung, lái xe này còn đe dọa sẽ quay lại xử lý tiếp khiến chị rất bất an”, chị Hà nói.

“Dù được lãnh đạo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổng công ty Đường sắt VN động viên sẽ làm việc với các cơ quan chức năng xử lý đến cùng vụ việc, nhưng bản thân tôi và gia đình vẫn sợ bị đối tượng quay lại trả thù”, chị Hà chia sẻ thêm.

"Với tình trạng hành lang ATGT đường sắt phức tạp và ý thức của người tham gia giao thông còn kém như hiện nay, Nhà nước nên đưa nghề lái tàu, gác chắn và tuần đường vào danh mục nghề nguy hiểm vì nguy cơ mất an toàn với người lao động rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi lên ban làm nhiệm vụ”.

Phó chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN Nguyễn Văn Biên

Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên nhân viên gác chắn bị người tham gia giao thông chửi bới, đe dọa và hành hung. Ngày 7/1, tại đường ngang Km 201+167 (tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai), khi nhân viên Nguyễn Thị Hà đang thao tác đóng chắn đón tàu, có 2 thanh niên đi xe máy đến yêu cầu mở chắn để họ đi qua. Lo ngại mở chắn sẽ mất an toàn cho người tham gia giao thông nên chị Hà nhất quyết không mở. Lập tức, 2 thanh niên này xông vào đánh đập, rồi tự ý mở chắn và bỏ chạy. Đơn vị phải đưa chị Hà đi cấp cứu và cử người thay thế.

Cũng trong tháng 1, tại đường ngang Bổ Túc Km 3+750 (tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM), lái xe ô tô BKS 30E-461.91 có biểu hiện uống rượu bia, điều khiển xe đâm đổ dàn chắn rồi xông vào đuổi đánh hai nữ nhân viên gác chắn đang làm nhiệm vụ. Vụ việc khiến các nhân viên gác chắn ở đây rất hoảng sợ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội Chắn đường ngang Giáp Bát cho biết, chỉ tính riêng địa bàn đơn vị quản lý, đã xảy ra nhiều vụ người tham gia giao thông hành hung nhân viên gác chắn. Ngay bản thân ông và Đội phó Nguyễn Văn Trung cũng từng bị hành hung khi trực tiếp gác chắn. “Tính từ tháng 9/2016 đến nay, có 4 vụ nhân viên gác chắn bị hành hung lập được biên bản, ngoài ra chưa tính những vụ người tham gia giao thông đuổi đánh nhưng nhân viên thoát được”, ông Trung nói.

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Nghề gác chắn chỉ một phút lơ là, chủ quan có thể dẫn đến tai nạn tàu va người, gây TNGT. Nếu bất cẩn, người gác chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ đi tù. Nhưng bản thân họ mỗi khi lên ban phải thường xuyên tỉnh táo, vận dụng mọi giác quan (tai, mắt…) để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất và cũng để tránh các nguy cơ va chạm với người tham gia giao thông qua đường ngang. Đó là chưa kể những nguy hiểm do ô tô đâm dàn chắn hay gây tai nạn tại đường ngang khiến dàn chắn, phương tiện văng, va làm nhân viên gác chắn bị thương, thậm chí đã vài trường hợp tử nạn.

Anh Trần Hoàng Tùng, Đội trưởng Đội Chắn đường ngang Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Giờ nghề gác chắn đường ngang vất vả, nặng nhọc. Lưu lượng xe cộ qua lại lớn, chỉ đóng chắn lâu một chút là đã vấp phải sự phản ứng của người tham gia giao thông. Đã không ít lần tôi và các đồng nghiệp bị chửi bới, hành hung vì cản không cho người tham gia giao thông qua đường ngang khi tàu đang đến”.

“Anh em gác chắn truyền nhau “kinh nghiệm”: Dân họ chửi thì lặng im mà nghe, dân họ đánh thì chạy, có thế mới tránh vạ vào thân mà vẫn đảm bảo được an toàn chạy tàu”, anh Tùng ngán ngẩm nói và cho biết, đơn vị có quy định, nhân viên gác chắn phải cư xử mềm mỏng, hòa nhã với người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn khi làm việc. Hơn nữa, nhiều anh em bị đánh không dám viết đơn tố cáo vì sợ đối tượng trả thù.

“Các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh và xử lý nghiêm các đối tượng côn đồ, hành hung nhân viên gác chắn để răn đe và giúp nhân viên gác chắn yên tâm làm việc”, anh Tùng đề nghị.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện có gần 4.000 nhân viên gác chắn bám trụ 24/24h tại hơn 600 đường ngang có gác. Ngành đường sắt một mặt yêu cầu nhân viên gác chắn phải tuân thủ chặt quy trình quy phạm, đồng thời bố trí ban, kíp hợp lý, nhất là các vị trí phức tạp, xa dân cư để tránh các nguy cơ mất an toàn cho người lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.