Phổ biến vi phạm không đội MBH
10h ngày 30/11, PV Báo Giao thông theo chân Tổ TTKS, Đội CSGT Công an huyện Đô Lương (Nghệ An), tuần tra trên QL46B đoạn qua xóm 4, xã Đà Sơn. Đây là tuyến đường huyết mạch tập trung đông dân cư, nhiều trường học.
Tại Km 57+900, QL46B trong vòng 1 giờ dừng kiểm tra 10 phương tiện, Tổ TTKS đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Vào lúc 10h40, chị Nguyễn Thị Hải (trú khối 4, trấn Đô Lương) điều khiển xe mô tô BKS 37D1-607.8X chở bạn ngồi phía sau không đội MBH. Khi tổ công tác yêu cầu ký vào biên bản vi phạm hành chính, chị Hải phân trần: “Nhà có khách, hai chị em chạy vội sang chợ mua ít thức ăn, chứ bình thường vẫn đội mũ bảo hiểm”.
Lúc 11h, chị Trần Thị Dương (SN 1980, trú xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) điều khiển xe mô tô BKS 37D1- 5622.XX chở theo con gái không đội MBH. Khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe, chị phân bua: “Nhà cách trường có mấy trăm mét, tiện đường đi chợ nên mình ra trường chở con luôn”. Tuy nhiên, Đại úy Phan Sỹ Hào, Tổ trưởng Tổ TTKS đã trực tiếp giải thích các quy định trong xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông không đội MBH.
“Nhiều người cho rằng lỗi không đội MBH là vi phạm rất nhỏ, nhưng thực tế có rất nhiều vụ TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng từ lỗi này. Vì vậy, khi phát hiện người điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông không đội MBH, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm”, Đại úy Hào nói.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Đội CSGT Công an huyện Đô Lương đã lập biên bản 4.215 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó 215 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 160 trường hợp vi phạm không đội MBH, 237 trường hợp quá khổ, quá tải...
Kết hợp nhiều biện pháp, quyết kéo giảm TNGT
Trung tá Hồ Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT huyện Đô Lương cho biết: Năm 2019, tai nạn ở Đô Lương tăng đột biến. Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, có tới 60% nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện không đội MBH, tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Số còn lại xuất phát từ lỗi thiếu quan sát khi đi từ đường nhánh ra đường chính, đi không đúng phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, chở hàng cồng kềnh...Vì vậy, ngoài TTKS theo kế hoạch, lãnh đạo công an huyện còn chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát khác mỗi tuần 2 tổ TTKS từ 19h30 - 23h, tập trung kiểm tra, xử lý những lỗi trên.
Lý giải thêm về việc TNGT gia tăng, Trung tá Tuấn nói: “Từ khi mở đường N5, đường rộng, đẹp nên lưu lượng phương tiện trọng tải lớn luôn chạy với tốc độ cao. Trong khi đó, các tuyến đường nhánh đấu nối ra N5 dốc, lại bị che khuất tầm nhìn, dễ gây xung đột. Rồi lúc vào vụ cấy, vụ gặt, xe tự chế, xe trâu chạy đầy đường liên thôn, liên xã...TNGT cũng vì thế mà tăng mạnh”.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “11 tháng năm 2019, TNGT tại huyện Đô Lương tăng 5 vụ, 5 người chết và trở thành địa phương có tỉ lệ TNGT tăng cao. Trước thực trạng đó, Ban ATGT huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo sâu sát đến tận xã, đồng thời, giao cho Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Bên cạnh đó, huyện cũng rất kiên quyết trong giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang giao thông, xử lý triệt để các điểm đen TNGT”.
“Để kéo giảm TNGT dịp cuối năm, Công an huyện đã phân công cán bộ tổ chức tuyên truyền luật giao thông 2 buổi/tháng đối với các trường THPT và THCS trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với đoàn thanh niên, phụ nữ tuyên truyền xuống tận khu dân cư; triển khai các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải; tham mưu cho Ban ATGT huyện, tỉnh gửi văn bản đến các chủ hàng, chủ bến cát ký cam kết không chở quá tải”, Đại tá Thái Khắc Thống, Trưởng công an huyện Đô Lương chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận