Có cầu vượt đường sắt nhưng do chưa đóng đường ngang, người dân vẫn đi qua đường sắt dưới gầm cầu vượt |
Để giảm thiểu nguy cơ TNGT tại các vị trí đường sắt giao cắt đồng mức với quốc lộ, Bộ GTVT đã trình Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt đường sắt. Nghịch lý là, dù có những cây cầu vượt đường sắt trị giá hàng trăm tỷ đồng, nhưng các điểm giao cắt đường ngang vẫn tồn tại, nguy cơ TNGT vẫn thường trực...
Cầu vượt trăm tỷ không bóng người qua lại
Một ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông có mặt tại ngã ba Yên Lý (huyện Diễn Châu) - nơi giao cắt giữa QL48 với QL1 và đường sắt Bắc - Nam và nhận thấy, tình hình giao thông ở nút giao này vẫn rất phức tạp. Xe cộ ùn tắc cả trăm mét, từng phương tiện chen lấn để đi qua đường sắt. Sợ nhất là lúc có đoàn tàu đi tới, nhân viên ngành Đường sắt phải chạy tới, chạy lui mới ngăn được dòng phương tiện ùn ứ để đóng chắn đường ngang cho tàu đi. Những lúc như vậy, hiện tượng ùn tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng.
"Mục đích của việc xây cầu vượt đường sắt là để xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức nguy hiểm giữa đường bộ với đường sắt, tăng cường khả năng lưu thông trên tuyến. Về nguyên tắc sau khi có cầu vượt đường sắt thì phải đóng đường ngang. Tuy nhiên, hiện nay các nhà thầu đang gặp vướng trong công tác giải phóng mặt bằng để làm đường gom, làm cầu vượt đi bộ nên vẫn chưa tiến hành đóng được các đường ngang”. Ông Nguyễn Bính |
Anh Nguyễn Văn Công, một lái xe khách tuyến Vinh - Quỳ Hợp cho biết: “Chuyện ùn tắc ở đây xảy ra như cơm bữa. Trước nút giao này rộng lắm, nhưng giờ người ta rào mất một nửa nên các phương tiện chỉ còn biết chen nhau đi qua đường sắt trong phần đường còn lại”.
Theo tìm hiểu của PV, từ khi cầu vượt đường sắt QL48 hoàn thành, đơn vị thi công đã rào chắn đường ngang để tạo thói quen cho các phương tiện đi trên cầu vượt. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì việc rào chắn đường ngang này lại được thực hiện nửa vời như vậy.
Trái với cảnh giao thông đông đúc tại nút giao Yên Lý, cách đó chừng 500 m, trên cây cầu vượt đường sắt trị giá 348 tỷ đồng vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2015 lại không có một bóng người qua lại. Theo người dân địa phương, đi lên cầu phải vòng xa cả cây số, nên họ cứ băng qua đường ngang cho tiện, mặc kệ nguy hiểm trực chờ.
Tương tự, tại cầu vượt đường sắt nút giao QL1, QL46B và đường sắt Bắc - Nam (đoạn phường Quán Bàu, TP Vinh), sau khi cây cầu vượt trị giá 190 tỷ đồng được hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 1/2015, đến nay đường ngang dưới gầm cầu vẫn chưa được đóng lại. Hàng ngày, hàng nghìn lượt người, phương tiện mạo hiểm đi qua đường ngang này, trong khi cây cầu vượt hàng trăm tỷ đồng lại bỏ không.
Dân cản trở đóng đường ngang
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Nghệ An đã có 5 cầu vượt đường sắt được xây dựng gồm: Cầu vượt đường sắt QL1 đoạn Diễn Châu; Cầu vượt đường sắt QL1 đoạn xã Nghi Liên (Nghi Lộc); Cầu vượt đường sắt QL46 (hồ cá Cửa Nam, TP Vinh) và hai cầu vượt nêu ở trên. Đến nay, cả 5 cầu đã được đưa vào sử dụng nhưng mới chỉ có 2/5 cầu thực hiện việc đóng hoàn toàn đường ngang giao với đường sắt.
Ông Trần Đình Dũng, Phó Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An (chủ đầu tư cầu vượt đường sắt QL46B) lý giải, theo thiết kế dự án, sau khi cầu vượt đường sắt hoàn thành, đường ngang dưới chân cầu sẽ được đóng lại. Tuy nhiên, sau khi cầu vượt chính thức thông xe, lại có điều chỉnh về thiết kế. Theo đó, dự án được bổ sung thêm gói thầu xây lắp XL5, xây dựng 2 km đường gom phía Tây QL1 nối từ bến xe mới tới đường Đặng Thai Mai (đầu cầu phía Tây) nên phải chờ đường gom này hoàn thành mới có thể đóng đường ngang.
“Hiện gói XL5 vẫn còn đang vướng 7 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng thi công. Ban đã làm việc với UBND thành phố và chính quyền xã, nếu tháng 3 các hộ cố tình không bàn giao mặt bằng, sẽ tổ chức bảo vệ thi công. Phấn đấu tháng 5 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án và đóng hoàn toàn đường ngang này”, ông Dũng nói.
Lý giải về việc chậm đóng nút giao Yên Lý, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO 4 (đơn vị đại diện chủ đầu tư, kiêm liên danh nhà thầu thi công) cho biết, việc chậm đóng đường ngang là do chưa có cầu vượt đi bộ. “Hiện chúng tôi đã làm xong phần kết cấu thép và 1 trụ phía Tây của cầu đi bộ. Giờ chỉ còn 1 trụ phía Đông đường sắt vẫn chưa thể thi công do bị hơn 100 hộ dân sống gần đó cản trở thi công. Do không đồng tình với việc đóng nút giao này, nên một số hộ kinh doanh buôn bán ở đây đã phản ứng bằng cách mang gậy gộc, đất đá ra chặn đường, ngăn cản nhà thầu thi công”, ông Nghĩa cho hay.
Nhưng ông Hà Xuân Quang, UBND huyện Diễn Châu khẳng định, quan điểm của tỉnh cũng như huyện là sẽ đóng hoàn toàn nút giao này, sau khi nhà thầu thi công xong cầu đi bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận