TNGT tại Lâm Đồng, xe khách 16 chỗ tông liên tiếp 4 xe máy. |
Sáng 22/2, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia đã có Công điện gửi các cơ quan thành viên của Uỷ ban và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT trong 2 ngày cuối đợt nghỉ Tết Ất Mùi.
Theo đó trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 (từ ngày 15/2/2015 đến 21/2/2015), tai nạn giao thông so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã giảm mạnh số vụ, số người bị thương nhưng số người chết lại tăng cao so với cùng kỳ trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, tuy không xảy ra tai đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến mô tô, xe máy và ô tô lại tăng cao và diễn biến phức tạp ở các đoạn ngoài đô thị trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn.
Nguyên nhân là do người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người. Để bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong 2 ngày cuối đợt nghỉ Tết Nguyên án Ất Mùi (ngày 22 và 23/22015), Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt Công điện số 2620/CĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 và Công điện số 626/CĐ-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội xuân 2015.
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ô tô chở quá số người quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng đặc biệt trên những đoạn tuyến vừa khai thác, vừa thi công; có phương án tổ chức giao thông hợp lý, ưu tiên sử dụng lòng đường cho phương tiện lưu thông trong thời gian cao điểm. CSGT phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ uy hiếp an toàn giao thông cao như điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi sai làn đường phần đường, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; xe kinh doanh vận tải đón, trả khách trên đường cao tốc, chở quá số khách quy định; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thường xuyên phản ảnh tình hình vận tải và trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy, tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc, tai nạn đường ngang đường sắt, đường thuỷ nội địa; hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng quy định. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin thường xuyên, kịp thời tình hình trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền về nguy cơ nạn giao thông; phát các thông điệp an toàn giao thông; hướng dẫn, vận động người dân có nhu cầu mua vé xe khách cần đến các bến xe và điểm đón trả khách đúng quy định.
Theo thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi từ ngày 15/2 đến ngày 21/2 (tức từ ngày 27 Tết đến Mùng 3 Tết Âm lịch) toàn quốc đã xảy ra 427 vụ TNGT, làm chết 246 người, bị thương 415 người; so với cùng kỳ 7 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán 2014 giảm 32 vụ (-7,5%), tăng 32 người chết (+15%), giảm 66 người bị thương (-15,9%).
Lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra và xử lý 31.998 trường hợp vi phạm TTATGT, chuyển Kho bạc Nhà nước thu trên 18,5 tỷ đồng, tạm giữ 223 xe ô tô, 7.307 xe mô tô, tước trên 1.200 GPLX các loại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận