TNGT đường sắt ở Nam Định thường xảy ra tại các đường ngang mở trái phép |
Ngày 2/12, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song QL10 qua địa bàn tỉnh Nam Định và nhận thấy, có những đoạn tuyến chỉ 1km đường có tới 6-7 đường ngang giao cắt, nhiều đường ngang dân sinh tự phát không có biển báo, không có người gác.
315 đường ngang trên 41km đường sắt
Chỉ tay vào đoạn đường ngang khu vực ngã ba Đặc Trương, thôn Đặc Trương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ông Nguyễn Công Khanh (nhà ven QL10 qua xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) cho hay, điểm đường ngang này không có barie tự động hay người gác. Ngày 2/11, cháu Minh, học sinh lớp 6 trường THCS Yên Tiến khi đi qua đường ngang này, do không chú ý quan sát nên đã bị tàu chở hàng chạy hướng TP.HCM - Hà Nội đâm văng xa 10m, tử vong tại chỗ.
Cách đó chưa đầy 1km, tại đường ngang qua ngã ba Cát Đằng, thôn Tân Lập, xã Yên Tiến, ngày 9/10 cũng đã xảy ra một vụ TNGT đường sắt làm một người tử vong. Nạn nhân là ông Bùi Công Chiến (50 tuổi, ở xã Yên Tiến) làm nghề xe ôm.
Lại xảy ra tai nạn đường sắt tại cung đường “tử thần” Khoảng 8h ngày 5/12, tại Km 106+300 đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua khu vực thôn Đặc Trương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), ôtô khách 12 chỗ BKS 18B-015.09 do tài xế Phạm Tài Vinh (SN 1970, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) điều khiển chạy từ thôn Đặc Trương ra QL10 do không chú ý quan sát tín hiệu cảnh báo có tàu, nên bị tàu hàng chạy hướng Ninh Bình - Nam Định đâm văng xuống ven đường. Cú đâm mạnh khiến tài xế Vinh bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng phần đầu, hai chuyến tàu bị chậm lịch trình. |
“Khu vực này có nhiều hộ dân làm nghề sản xuất đồ gỗ, sửa chữa ôtô, kinh doanh buôn bán ven đường sắt ngay cạnh QL10. Người dân, khách hàng thường đi theo đường ngang dân sinh băng qua đường sắt để vào nhà, mua hàng. Những vụ tai nạn xảy ra tôi thấy đều do người dân không chú ý tín hiệu cảnh báo tàu đến”, ông Khanh nói.
Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Nam Định cho biết, 11 tháng đầu năm, huyện Ý Yên xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt làm chết 3 người; Huyện Vụ Bản xảy ra 6 vụ làm chết 3 người, bị thương 5 người; Huyện Mỹ Lộc xảy ra hai vụ làm chết 3 người, bị thương 2 người. Nguyên nhân đều do người tham gia giao thông qua đường sắt không chú ý quan sát.
Tính chung toàn tỉnh, 11 tháng qua xảy ra 11 vụ TNGT đường sắt, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 3 vụ, làm chết 9 người (giảm 4 người), làm bị thương 7 người (tăng 4 người).
“Tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Nam Định dài 41,15km qua ba huyện và TP Nam Định, hầu hết chạy song song với QL10, QL21 qua nhiều khu dân cư, lượng người và phương tiện lưu thông lớn dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao. Hiện, toàn tuyến có 44 đường ngang hợp pháp, trong đó có 12 đường ngang gác chắn, 14 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động, 18 đường ngang phòng vệ bằng biển báo và 271 đường dân sinh, lối đi trái phép qua đường sắt. Phần lớn các đường ngang dân sinh này không có gác chắn, nên nếu người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, nguy cơ TNGT rất cao”, Thượng tá Dương nói.
Cử người trực chốt gác chắn 24/24h
Theo ông Phan Phương Đông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định, 11 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã có rất nhiều cố gắng trong công tác đảm bảo TTATGT đường sắt, TNGT đường sắt trên địa bàn đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao.
“Ngoài nguyên nhân do đường sắt qua địa bàn có quá nhiều đường ngang dân sinh trái phép, còn những bất cập trong công tác đảm bảo TTATGT đường sắt. Tại nhiều điểm đường ngang, địa phương cho lắp đặt cần chắn, tổ chức chốt gác nhưng chỉ thực hiện theo một thời gian nhất định trong ngày như từ 5h-21h, 6h-22h, còn lại cần chắn luôn để trạng thái mở, kể cả khi có tàu chạy qua. Điều đó khiến người tham gia giao thông nhận thức sai trạng thái phòng vệ, nhầm tưởng vẫn có người cảnh giới, nên không chú ý quan sát tàu hỏa khi đi qua điểm giao cắt, nguy cơ xảy ra TNGT cao”, ông Đông nói.
Để đảm bảo ATGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh Nam Định đề nghị Ban ATGT thành phố và các huyện có đường sắt chạy qua rà soát các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao để đề xuất cảnh giới, chốt gác. Lưu ý các đường ngang có tổ chức chốt gác hoặc cần chắn đề nghị cử người trực chốt gác 24/24h. Trường hợp không thực hiện được yêu cầu dỡ bỏ các cần chắn đã lắp đặt, chỉ thực hiện cảnh giới bằng cờ, đèn, còi theo quy định,
Về lâu dài, theo ông Đông, đề nghị Công ty CP Đường sắt Hà Ninh tiếp tục báo cáo Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN cấp kinh phí để thực hiện Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh. Đối với đường ngang không người gác có tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác đảm bảo TTATGT; Đẩy nhanh việc thực hiện dự án xây dựng mô hình rào chắn tự động, kết nối tín hiệu giao thông giữa đường bộ và đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận