Ngày 13/8, tin từ Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo về tình hình ngập cục bộ do mưa lớn trong mấy ngày qua ở Phú Quốc.
Theo đó, mưa dông đã làm 23 căn nhà bị sập, tốc mái, sụp lún. Hơn 8.400 căn nhà bị ngập lụt trong nước, ước thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng. Các vật dụng tài sản khác trong nhà bị hư hỏng nặng ước thiệt hại 22 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại về hoa màu, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Quốc đã huy động hàng ngàn lượt người (công an, dân quân, bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Lữ đoàn 950…) tham gia cứu hộ, hỗ trợ nhân dân, cùng với hơn 750 phương tiện tham gia (trong đó, ô tô 50 chiếc, xe cẩu 35 tấn, 80 xe cuốc, 200 xe máy, thuyền thúng 14 chiếc, xuồng cao tốc 2 chiếc, phao bè cứu sinh 91 chiếc, áo phao 250 áo, 50 chiếc phao tròn).
Qua đó, đã sơ tán được 1.985 người dân (phụ nữ 1.039, trẻ em 946) đến nơi tránh trú an toàn. Các ban ngành huyện đã phát cơm miễn phí trên 3.200 suất, nhận gạo từ mạnh thường quân 39 tấn gạo, 3.877 thùng mì, cơm, bánh mì, bánh bao 2010 suất, tiền mặt 244 triệu đồng.
Đáng chú ý, mưa lớn liên tục trên diện rộng, cũng khiến cho nhiều tuyến đường (dài 63km) trên địa bàn huyện Phú Quốc bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu trung bình từ 0,7 - 2m, gây thiệt hại lớn công trình giao thông và tài sản của người dân. Ước tình tổng mức thiệt hại trên tất cả các mặt khoảng 107 tỷ đồng.
Đồng thời, tại thời điểm xảy ra thiên tai các chuyến tàu cao tốc xuất nhập đảo vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có 30 chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi nơi khác và ngược lại bị huỷ do lượng mưa quá lớn không đảm bảo an toàn hàng không.
Theo ngành chức năng huyện Phú Quốc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do biến đổi khí hậu (từ ngày 1 - 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 1,170mm. Trong khi đó, lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.800mm, chỉ tính riêng ngày 9/8 lượng mưa lên đến 335mm), cao hơn lượng mưa lịch sử Phú Quốc năm 1997 là 327mm.
Ông Mai Văn Huỳnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc cho biết: “Đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn. Đồng thời, trùng với nước biển dâng cao, hệ thống thoát nước từ sông, suối đổ ra biển gây cản trở rất nhiều”.
Cũng theo ông Huỳnh, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003 quy mô từ thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư thưa thớt. Một số nơi hiện nay bị san lắp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy, một số đoạn suối là những nguyên nhân góp phần làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông.
“Giải pháp trước mắt, huyện sẽ tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ nguời dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành nạo vét, khai thông cống rãnh, cửa sông, cửa biển”, ông Huỳnh nói và cho biết thêm, về lâu dài, phải đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực đô thị Dương Đông, An Thới, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc.
Để đảm bảo giao thông thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại được dễ dàng, ông Lê Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho biết, sắp tới, các cơ quan chuyên ngành giao thông tỉnh sẽ lập đoàn phối hợp cùng với huyện Phú Quốc tiến hành khảo sát riêng biệt để đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại trên các tuyền đường hư hỏng. Từ đó, trình UBND tỉnh để có hướng xử lý khắc phục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận