Thừa Thiên - Huế: QL49 sạt lở, ách tắc nghiêm trọng
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn đã khiến hàng nghìn m3 đất đá từ phía ta luy dương sụt trượt xuống đoạn 76+380 QL49 (xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) gây ách tắc giao thông. Chi cục QLĐB II.6 (Cục QLĐB II) cho biết, đơn vị đang huy động lực lượng và phương tiện để hốt dọn, dự kiến đến đầu giờ chiều nay (8/10) thông tuyến.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, đến hơn 10h cùng ngày, vị trí sạt lở này đã cơ bản thông xe bước 1.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài vị trí sạt lở gây chia cắt giao thông trên, QL49 từ Huế đi A lưới bị sạt lở một số điểm cục bộ.
Mưa lớn cũng đã khiến các hộ dân thôn Tam Lanh (xã Lâm Đớt) và thôn A Hưa (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) bị ngập nước, cô lập. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 16 hộ dân ở A Sáp và Hồng Thượng, cùng 2 hộ dân xã Đông Sơn và xã A Ngo. Hệ thống nước sinh hoạt bị gián đoạn trên toàn huyện.
QL 49B đoạn qua xã Phong Bình (huyện phong Điền) bị ngập úng một số điểm với độ sâu 0,3 - 0,5m. Huyện Phong Điền đã tổ chức di dời tại chỗ 75 hộ, 206 khẩu, chủ yếu người già, trẻ em và các hộ ven sông, thấp trũng tại các xã Phong Hòa (48 hộ, 146 khẩu), Phong Bình (14 hộ, 38 khẩu), Phong Thu (5 hộ, 6 khẩu), Thị trấn (8 hộ, 16 khẩu).
Tại huyện Nam Đông, tại khu vực đường đi vào thủy điện Thượng Nhật nước chảy lớn do cống ngầm qua đường Ma Gon bị xói lở, lực lượng chức năng đã rào chắn không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Cũng trên địa bàn huyện Nam Đông, sạt lở đất mái ta luy dương xã Hương Lộc, đến nay đã khắc phục xử lý đảm bảo các phương tiện lưu thông.
Tại thành phố Huế, một số tuyến đường nội thành ngập sâu. Mưa lớn cũng làm ngập úng hàng chục ha hoa màu, rau má đậu bắp... tại huyện Quảng Điền, tập trung ở các xã Quảng Thọ và Quảng Thành.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ kết hợp với trường gió Đông nên tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ qua (từ 01h ngày 07 đến 01h ngày 08/10) từ 250 - 350mm, có nơi lớn hơn như Bạch Mã 505mm, A Lưới 628mm, Tà Lương 507mm.
Dự báo, từ hôm nay đến ngày 10/10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa ngày 8/10 đến hết ngày 10/10 phổ biến từ 150 - 350mm, có nơi trên 400mm. Vùng ven biển Thừa Thiên Huế có gió mạnh, triều cường gây khó khăn cho thoát lũ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Đồn Biên phòng Thanh - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đêm ngày 7/10 trên địa bàn 3 xã (Thanh, Lìa, Xy) xảy ra mưa rất to, nước sông Sê Pôn tiếp tục dâng, tất cả các đập tràn tuyến đường Lìa, tuyến đường liên thôn đều bị ngập chia cắt.
Ngay trong đêm 7/10, đơn vị đã triển khai lực lượng 3 tổ/ 34 CBCS phối hợp với địa phương 2 xã Thanh, Xy di dời 84 hộ dân, hơn 130 con gia súc, gia cầm và các tài sản khác từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Địa bàn Đồn Biên phòng Hướng Lập có 8 cầu tràn bị ngập, giao thông tạm thời gián đoạn.
Quảng Trị: Khiều khu dân cư ngập sâu, học sinh nghỉ từ 8/10
Tại Quảng Trị sáng 8/10, trời tiếp tục mưa to. Mưa lớn cộng với nước đầu nguồn đổ về khiến nhiều tuyến đường từ xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) ra QL1 bị chia cắt. Mưa lớn cũng khiến một số vị trí trên tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ (TP Đông Hà) bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo và ứng trực không cho người và phương tiện qua lại.
Mưa lớn cũng khiến nhiều QL9 và đường Hồ Chí Minh sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông.
Theo ghi nhận, khu vực QL9 xảy ra tình trạng đất, đá sạt lở mái ta luy dương với 2.500m3 ở 35 vị trí, trong đó có 2 điểm tắc đường tại Km47+500 và Km52+200. Sụt lở ta luy âm tại Km61+500.
Tại đường Hồ Chí Minh, đất, đá sạt lở mái ta luy dương với khối lượng 5.000m3 ở 85 vị trí. Có 4 vị trí bị tắc đường gồm Km251+400, Km266+500, Km268+900 và Km272+100.
Mưa lớn cũng gây sụt lở tại Km254+950, hiện đã thông xe được nửa mặt đường. Các ngành chức năng đang huy động nhân lực, máy móc thiết bị hốt dọn và tổ chức đảm bảo giao thông tại các vị trí nói trên.
Đến sáng ngày 8/10, mưa lớn đã gây ngập sâu từ 1-1,5m rất nhiều nhà dân ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị). Địa bàn 3 xã gồm Thanh, Lìa, Xy cũng xảy ra mưa rất to, nước sông Sêpon tiếp tục dâng; tất cả các đập tràn tuyến đường Lìa và đường liên thôn đều bị ngập, chia cắt.
Ngay trong đêm, lực lượng Đồn biên phòng Thanh phối hợp với địa phương tổ chức chốt chặn tại các điểm ngập và di dời gần 100 hộ dân cùng các tài sản. Hiện huyện Hướng Hoá đã tiến hành di dời hơn 1.100 hộ dân đến nơi an toàn.
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, trên địa bàn toàn huyện có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 142-218mm. Nước sông dâng nhanh khiến các điểm cầu, đập tràn ngập sâu gây chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn huyện.
Đường vào trung tâm xã A Vao (cầu tràn Tà Rụt - A Vao), Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc. Các tuyến đường 588, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 đoạn qua huyện này bị sạt lở nặng, nước ngập sâu, chia cắt nhiều điểm.
Cũng theo ông Châu, mưa lũ gây ngập lụt nặng nhất ở xã Ba Lòng và Triệu Nguyên, có khoảng 150 nhà ngập hoàn toàn. Huyện này đã di dời 575 hộ với 2527 nhân khẩu tại nhiều xã đến nơi an toàn.
Hiện mực nước tại công trình thuỷ điện đều vượt ngưỡng tràn từ 2m đến 4,5m. Lưu lượng về hồ đạt trên 3.000m3/s. Mực nước trên sông Đakrông tại cầu Đakrông đo được là 34,4m vượt báo động 3 là 0,9m.
Sáng 8/10, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã ký công văn hoả tốc gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố… về ứng phó với ảnh hưởng của vùng áp thấp.
Theo đó, Sở này yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục, trung tâm thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 8/10. Sau ngày hôm nay, tuỳ theo diễn biến mưa lũ tại các địa phương, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học, để đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh.
Tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, chú trọng bảo vệ tài sản, trang thiết bị dạy và học, hồ sơ, sổ sách ở các trường học.
Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án chủ động sơ tán học sinh và giáo viên ra khỏi vùng nguy hiểm. Có phương án phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng, chống lụt bão và TKCN địa phương kịp thời ứng phó với các tình huống phức tạp xảy ra…
Quảng Bình: Nhiều địa phương miền núi bị chia cắt
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 11h ngày 8/10, do mưa lớn kéo dài, mực nước lũ lên nhanh ở các sông, nhiều địa phương miền núi bị chia cắt, nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Hiện tại ở Quảng Bình vẫn có mưa trên diện rộng lượng mưa phổ biến trên 100mm, một số nơi cao hơn như: Minh Hóa 627mm, Trường Sơn 496mm, Kiến Giang 354mm. Mực nước đo được tại trạm Đồng Hới vượt mức BĐ III 19cm, trạm Lệ Thủy vượt mức BĐ III 01cm, trạm Kiến Giang dưới BĐ III 04cm. Dự báo trong thời gian tới, tại Quảng Bình có mưa to đến rất to.
Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, ngập sâu trong nước, cụ thể như: Ngầm Bùng tại Km 562+200, QL 15 nước ngập 2m, tắc đường; QL 12 tại Km68+800 ngập 0,5m. Đường QL 9B: ngầm tràn tại Km41+980, ngầm tràn tại Km43+800 nước ngập 50cm; Ngầm Khe Giữa ngập 0,5m; Tại Km25 và Km28 nước dâng cao ngập 1,5 đến 2m.
Đường 562 (đường 20 cũ, lên xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch): Ngập tại Km19 (đoạn gần hang Tám Cô), ngập sâu khoảng khoảng 02m; tại Km54 sạt lở khoảng 10m3 đất đá, tại Km62 sạt lở khoảng 20m3 đất đá, hiện phương tiện không qua lại được. Đoạn đường thuộc tỉnh lộ 559B, cầu tràn Km46+909 ngập 1,5m gây tắc đường; Đường nối từ QL 12A vào Đồn Biên phòng Ra Mai, bản Lòm, bản Ra Mai, ngập 1 đến 1,5m.
Tại Huyện Minh Hóa các ngầm tràn của xã Minh Hóa ngập 1m gây chia cắt, các ngầm tràn xã Tân Hóa ngập 1m (hiện nay nước đã rút và thông xe). Huyện Tuyên Hóa: Cầu Thanh Thạch đi xã Thanh Hóa; cầu Khe Trợ, xã Thuận Hóa; đường Đồng Lâm đi Sảo Phong, xã Đức Hóa và một số tuyến đường liên thôn ngập cục bộ, sâu 0,5m; đường xuống bến đò xã Ngư Hóa ngập cô lập 8 hộ/32 khẩu thuộc xóm 1.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 25 thôn, bản thuộc 7 xã bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao gây ngập một số đoạn đường và ngầm tràn vào các bản.
Tại huyện Minh Hóa 1 xã và 12 bản gồm Xã Minh Hóa, xã Dân Hóa gồm các bản Ka Ai, Ka Vàng (địa bàn Đồn Cha Lo). Xã Trọng Hóa gồm các bản Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ-Tà Vơng, Lòm, ChaOóc, Cây Dừa (địa bàn Đồn Ra Mai); Xã Thượng Hóa: Các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ (địa bàn Đồn Cà Xèng).
Tại huyện Bố Trạch, các bản Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn (địa bàn Đồn Cồn Roàng); các bản Nôồng Cũ, Nôồng Mới, Chăm Pu (địa bàn Đồn Cà Roòng) thuộc xã Thượng Trạch cũng bị chia cắt. Các xã Trường Sơn thuộc huyện Quảng Ninh có các thôn Tân Sơn, các bản Khe Cát, Dốc Mây, Trung Sơn, P Loang, Rìn Rìn (địa bàn Đồn Làng Mô)… và bản Bạch Đàn (địa bànĐồn Làng Ho) của xã Lâm Thủy huyện Lệ Thủy.
Cho đến thời điểm hiện tại, tại xã Tân Hóa huyện Minh Hóa có 50 nhà ngập sâu trên 0,5m và tình hình ngập lụt vẫn tiếp tục diễn ra nếu mưa lũ còn kéo dài cho đến hết đêm nay (8/10). Còn tại huyện Tuyên Hóa đã lên phương án vận động, tổ chức di dời 430/1.600 khẩu thuộc các xã Đức Hóa, Thạch Hóa…
Tại các điểm ngập lụt, chia cắt, sạt lở... lực lượng Công an cắm chốt để cảnh báo người dân và phân luồng giao thông không đi vào vùng nguy hiểm.
Tại huyện có nhiều tuyến đường bị chia cắt, ngập nước, Thượng tá Nguyễn Thanh Hoài - Phó trưởng Công an huyện Tuyên Hóa cho biết: “Lực lượng Công an cùng chính quyền địa phương đã khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện về các địa bàn xung yếu nhằm có phương án đối phó với mưa, lũ, đồng thời bố trí ứng trực 100% quân số từ huyện đến các xã để giúp dân”.
Kịp thời ứng cứu 11 thuyền viên tàu hàng bị chìm
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, tàu Công Thành 27 hành trình từ Quảng Ninh - Cần Thơ, trên tàu chở 4.500 tấn hàng cùng 11 thuyền viên, đi ngang qua vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị sóng gió lớn làm nước tràn vào tàu, bị nạn ngày 7/10, tại tọa độ 16024'28'' Vĩ Bắc, 107055'13'' Kinh Đông thuộc khu vực ven biển xã Vinh Hiền, Phú Lộc (cách cửa Tư Hiền khoảng 03 hải lý). Tàu phát tín hiệu yêu cầu cứu nạn và 11 thuyền viên đã lên 4 phao cứu hộ rời tàu.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức, điều phối việc TKCN tàu; Đài Thông tin duyên hải Huế đã phát tin cho các tàu khu vực tàu bị nạn hỗ trợ cứu nạn các thuyền viên. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã điều 1 tàu 500CV xuất phát lúc 14h40 đi cứu nạn các thuyền viên và có văn bản gửi Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực II điều tàu SAR cứu nạn, tuy nhiên do sóng to gió lớn tàu không thể hành trình được nên quay về bến.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo, huy động 38 cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Vinh Hiền và Đồn Cảng Chân Mây tuần tra ven biển tìm kiếm các thuyền viên; điều động 2 tàu cá hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn nhưng không thể đi ra cửa biển được do sóng to, gió lớn; UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo các địa phương ven biển hỗ trợ cứu nạn.
Đến 15h10 ngày 7/10 đã cứu được 5 thuyền viên đưa về trạm y tế chăm sóc; đến 17h20 cùng ngày đã cứu thêm 6 thuyền viên còn lại tại bờ biển Lộc Bình, huyện Phú Lộc đưa vào Đồn Biên phòng Vinh Hiền chăm sóc y tế.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, 1 thuyền trưởng tàu gặp nạn trên phải đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cấp cứu, 3 thuyền viên bị thương nhẹ chăm sóc tại chỗ, các thuyền viên còn lại sức khỏe ổn định, được Đồn Biên phòng Vinh Hiền chăm sóc, bố trí ăn nghỉ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận