Đêm qua (15/7) và sáng nay (16/7), tại tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh này bị ngập úng, có nơi ngập sâu đến 1m. Mưa lớn cũng khiến đất đá sạt lở, nước dâng qua tràn làm nhiều khu vực dân cư bị chia cắt.
Theo thông tin nhanh từ cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình, tại huyện Mai Châu, có 2 khu vực sạt lở xảy ra trên đoạn quốc lộ 6 tại Km 129+30 (thuộc xã Tòng Đậu) và Km 142+600 (thuộc xã Đồng Tân) với những tảng đá lớn lăn xuống đường gây mất an toàn giao thông.
Lực lượng Công an huyện Mai Châu đã phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ tập trung cảnh giới, điều tiết giao thông và khắc phục hậu quả sạt lở. Đến nay, các phương tiện vẫn có thể lưu thông thuận lợi trên tuyến, tuy nhiên phải chú ý đề phòng sạt lở ở nơi đèo dốc xung yếu.
Hiện nay, huyện Lạc Sơn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ lúc này. Nghiêm trọng nhất là tuyến quốc lộ 12B đoạn qua xã Yên Nghiệp bị ngập sâu gần 1m, khiến phương tiện không thể qua lại.
Bên cạnh đó, một số ngầm tràn thuộc huyện Lạc Sơn và huyện Kim Bôi đang trong tình trạng ngập sâu khiến các phương tiện không thể đi lại được.
Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, biển cảnh báo đề nghị người dân hạn chế tham gia giao thông qua điểm ngập lụt.
Tại huyện Đà Bắc, cũng đã xảy ra sạt lở tại đoạn đường nối từ đường 433 vào UBND xã Nánh Nghê, Đà Bắc, hiện lực lượng công an đang phối hợp với các lực lượng chức năng dùng phương tiện để san gạt thông tuyến, đảm bảo cho phương tiện giao thông lưu thông bình thường.
Tình trạng sạt lở cũng đang xảy ra tại tuyến đường qua xóm Cạn Thương, xã Xuân Phong, Cao Phong, khiến giao thông ngưng trệ. Lực lượng Công an huyện Cao Phong và Sở GTVT đã đặt biển cảnh báo, đồng thời cảnh báo, nhắc nhở người dân hạn chế tham gia giao thông vào thời điểm này.
Theo Công an tỉnh Hoà Bình, tính đến thời điểm này, mưa vẫn còn rơi nặng hạt, dự báo tình hình mưa lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, công an tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ cùng Sở GTVT, các đơn vị quản lý tuyến triển khai các biện pháp phân luồng, đặt biển báo “nguy hiểm”, rào chắn, barie... trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân và du khách. Đồng thời, cắt cử người trực 24/24h tại điểm ngập, hỗ trợ người dân trong các tình huống nguy hiểm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận