Sáng 22/10, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, trong những ngày qua, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng liên tiếp các cơn bão, mưa kéo dài kết hợp với thủy triều dâng cao làm nhiều tuyến đường ngập nước, dẫn đến kết cấu mặt đường bị hư hỏng, gây mất ATGT, nhất là những vị trí hư hỏng nặng, nước ngập sâu.
Cụ thể, đoạn từ Nhà hàng, khách sạn Công Thành (thuộc đường Nguyễn Trãi) đến cầu Phan Ngọc Hiển thuộc tuyến QL63; đoạn từ trước đường Nguyễn Đình Chiểu đến cống Hội Đồng Nguyên thuộc tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi,... có nhiều vị trí mặt đường xuất hiện “ổ gà”, nguy cơ gây mất ATGT cao, đặc biệt là một số đoạn trong nội ô TP. Cà Mau bị ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.
“Mặc dù, hiện tại, tình hình mưa bão đã tạm giảm, nước ngập trên các tuyến đường, cạn dần. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, hiện nay đang có vùng áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài biển Đông, dự báo sẽ nhanh lên thành bão với cường độ khá mạnh trong những ngày tới và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng”, ông Bằng cho hay.
Do đó, để khắc phục hư hỏng đường giao thông do ngập lụt, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh Cà Mau đề nghị Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 (Cục Quản lý Đường bộ VN) khẩn trương khắc phục, sửa chữa hư hỏng trên một số tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh nói trên.
Theo ghi nhận của PV Báp Giao thông, trong những ngày mưa vừa qua, ngoài những tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Cà Mau bị hư hỏng, còn các tuyến đường khu vực nội ô TP. Cà Mau cũng xuất hiện nhiều "ổ gà", do nước ngập sâu nhiều ngày liền, đơn vị quản lý đường phải liên tục cắm biển cảnh báo trên đường để người dân biết mà tránh như: góc đường Trần Hưng Đạo - Phan Ngọc Hiển, đường Nguyễn Ngọc Sanh, đường Phan Ngọc Hiển,...
Cũng theo ông Bằng, Ban ATGT tỉnh đã giao Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện, TP. Cà Mau chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường tăng cường công tác kiểm tra, tuần kiểm và thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo tại những vị trí đường bị ngập sâu, đoạn đường hư hỏng (ổ gà), vị trí cửa cống, nắp mương, nắp ga, đoạn đường bị sạt lở... có nguy cơ gây mất ATGT để người tham gia giao thông biết, tránh lưu thông qua những khu vực nguy hiểm.
Kịp thời thực hiện sửa chữa, khắc phục tại những vị trí hư hỏng nghiêm trọng để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, an toàn. Chủ động xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa, chuẩn bị vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai khắc phục ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Thực hiện tốt công tác vệ sinh mặt cầu, mặt đường, khai rãnh thoát nước mưa, mương và cống thoát nước dọc; phát quang cắt cỏ, cắt dọn cây ven đường bị gãy đổ để đảm bảo tầm nhìn thông thoáng; nắn chỉnh, sửa chữa cọc tiêu, báo hiệu bị xiêu vẹo, đổ gãy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận