Học sinh Trường THPT Việt Yên số 2 đưa ATGT về với gia đình |
Sau khi triển khai thí điểm mô hình “Thăm hộ gia đình tuyên truyền về ATGT” tại một trường THPT thu được hiệu quả cao, Ban ATGT tỉnh quyết định nhân rộng mô hình ra toàn bộ các trường học trên địa bàn nhằm huy động đông đảo lực lượng học sinh làm tuyên truyền viên ATGT.
Hiệu quả 1 nhân 5
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Handicap, từ cuối tháng 12/2014, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh triển khai mô hình “Thăm hộ gia đình tuyên truyền về ATGT” tại Trường THPT Việt Yên số 2 (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Theo thày giáo Nguyễn Văn Chuyền, Bí thư Trường THPT Việt Yên số 2, sau khi được cung cấp tài liệu, hỗ trợ trang thiết bị, tập huấn kiến thức, kỹ năng, 1.283 học sinh của trường đã tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật TTATGT về gia đình.
Theo thày Chuyền, mỗi học sinh được phát một cuốn Nhật ký ATGT ghi lại các tình huống giao thông, kiến thức pháp luật TTATGT. Về nhà, hàng ngày học sinh tuyên truyền với cha mẹ, người thân về các quy định, quy tắc tham gia giao thông an toàn, đúng luật, tình hình TNGT, nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa... Hàng tuần, các thành viên trong gia đình ghi chép cảm nhận, cách giải quyết tình huống giao thông vào cuốn Nhật ký ATGT. Nhà trường sẽ kiểm tra xác suất Nhật ký ATGT của các em, sau đó gọi về gia đình các em để kiểm tra chéo thông tin.
"Các em học sinh trở thành các tuyên truyền viên ATGT ngay chính tại gia đình mình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi từ câu chuyện, lời góp ý và nhắc nhở của các em, chắc chắn bố mẹ, anh chị trong nhà sẽ suy nghĩ và hành động đúng luật. Mô hình này được Bắc Giang nhân rộng để toàn bộ học sinh và người dân đều nắm vững kiến thức ATGT, nâng cao ý thức và thay đổi hành vi khi tham gia giao thông văn hóa, an toàn hơn”. Ông Đào Nguyên Quý |
“Đây là cách tuyên truyền pháp luật TTATGT rất hiệu quả, bởi nhiều khi người khác nói, phụ huynh không nghe, nhưng con em mình nói, phụ huynh đều lắng nghe. Hơn nữa, “tuyên truyền viên” ATGT ở ngay trong nhà, tuyên truyền hàng ngày, lâu dài, liên tục sẽ tạo hiệu quả “mưa dầm thấm lâu”, thày Chuyền nói.
Tới đón con ở cổng Trường THPT Việt Yên số 2, phụ huynh học sinh Ngô Xuân Minh (lớp 11) cho hay, mỗi khi Minh đưa về các tình huống tham gia giao thông, cả nhà đều háo hức đưa ra cách tham gia giao thông đúng luật, an toàn nhất. “Minh còn thường xuyên nhắc nhở mọi người những kiến thức pháp luật TTATGT, nhắc mãi thành ra ai cũng nhớ. Trước đây, nhiều khi đi ra đường làng, tôi không đội MBH vì nghĩ chỉ đi gần, nhưng nay đã thành thói quen, cứ ngồi lên xe máy là đội MBH”, phụ huynh em Minh nói.
Theo ông Đào Nguyên Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang, sau khi 1.283 học sinh của Trường THPT Việt Yên số 2 tham gia mô hình “Thăm hộ gia đình tuyên truyền về ATGT”, khảo sát ba tháng đầu triển khai mô hình cho thấy, có khoảng 5.140 thành viên được tiếp nhận kiến thức pháp luật TTATGT từ các em. Phiếu khảo sát tại các gia đình, có 3.156 người được tăng cường kiến thức về chủ đề rượu, bia và lái xe, 2.626 người có sự thay đổi về hành vi, giảm số lần uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông. “Như vậy, một học sinh trở thành tuyên truyền viên ATGT thì sẽ đưa pháp luật TTATGT đến cho 5 người khác chỉ trong ba tháng”, ông Quý nhìn nhận.
Nhân rộng mô hình
Trước hiệu quả thực tế của việc triển khai mô hình “Thăm hộ gia đình tuyên truyền về ATGT”, tháng 6, Ban ATGT và Sở GD&ĐT tỉnh quyết định nhân rộng mô hình ra 100% các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh. Tới tháng 12, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh quyết định nhân rộng mô hình ra toàn bộ khối trường tiểu học và THCS trên địa bàn.
Hiện Bắc Giang có khoảng 400 nghìn học sinh tiểu học, THCS, THPT, GDTX và GDCN… Khi triển khai mô hình “Thăm hộ gia đình tuyên truyền về ATGT” trên toàn bộ các khối trường, Bắc Giang sẽ có một số lượng tuyên truyền viên ATGT cực lớn. “Với hiệu quả thí điểm từ Trường THPT Việt Yên số 2, lượng tuyên truyền viên ATGT “khủng” này sẽ “phủ sóng” kiến thức pháp luật TTATGT đến với cộng đồng rất hiệu quả”, ông Đào Nguyên Quý cho hay.
Theo thày Nguyễn Văn Chuyền, đây là cách tuyên truyền pháp luật TTATGT dễ triển khai mà rất hiệu quả. “Mô hình này không chỉ giúp các em học sinh nắm vững Luật GTĐB, có ý thức tham gia giao thông an toàn mà huy động được một lượng tuyên truyền viên ATGT lớn, tuyên truyền ngay từ trong gia đình. Kinh phí cho một cuốn Nhật ký ATGT chỉ 1 - 2 nghìn đồng nên rất dễ thực hiện, cần nhân rộng để tạo hiệu ứng lan tỏa tới cộng đồng”, thày Chuyền đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận