Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều quán bia, nhà hàng mở cửa trở lại, hoạt động nhộn nhịp. Điều đó kéo theo tình trạng nhiều người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm Nghị định 100, bất chấp mức xử phạt rất nặng.
Tuần tra lưu động, cắm chốt quanh quán nhậu
Trưa 11/5, tổ công tác Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) tiến hành tuần tra dọc tuyến QL32 trên địa bàn huyện Đan Phượng, sau đó dừng lại, lập chốt tại Km 15+600 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức. Xung quanh vị trí tổ công tác lập chốt, có rất nhiều quán nhậu.
Tổ công tác phân công Trung uý Vũ Dương Tuân hoá trang đứng ở gần Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch để ghi nhận các trường hợp từ quán nhậu ra có biểu hiện nghi vấn sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện. Đến 14h10, Trung uý Tuân thông báo qua bộ đàm có 2 nam thanh niên đi trên xe máy Honda Wave màu đỏ bắt đầu từ quán bia hơi đi ra, tài xế có biểu hiện loạng choạng. Khi 2 thanh niên này vừa lưu thông ra QL32 thì Đại uý Phan Việt Dũng của tổ công tác ra tín hiệu cho người điều khiển xe máy dừng lại và thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tài xế xe máy BKS 37L6-6437 là anh Nguyễn Danh Hùng (SN 1995, ở xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) vi phạm mức 0,211 mlg/lít khí thở. Anh Hùng trình bày, là thợ sửa chữa điện, trưa đi ăn cơm có uống vài cốc bia, mong được CSGT bỏ qua. Tuy nhiên, sau khi Đại uý Phan Việt Dũng, Tổ trưởng tổ công tác Đội CSGT số 9 giải thích, anh Hùng đã kí vào biên bản vi phạm và gọi bạn đến đón về. Với vi phạm này, anh Hùng sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước GPLX 11 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trước đó, tổ công tác khác do Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo, Phó đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chỉ huy tiến hành tuần tra lưu động trên các tuyến phố cổ Thợ Nhuộm - Quang Trung - Hai Bà Trưng - Tràng Thi - Phủ Doãn… và dừng hàng loạt phương tiện, phát hiện nhiều người lái xe sử dụng nồng độ cồn.
Bị lập biên bản xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn 0,205 mlg/lít khí thở trên phố Tràng Thi, anh Trần Huy Hùng (ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) xác nhận, sau thời gian dài cách ly xã hội, bạn bè mới gặp nhau nên cùng vui nâng ly. “Tôi không nghĩ CSGT đã tăng cường tuần tra ngay sau thời gian cách ly xã hội, lại xử phạt ngay trên tuyến đường nội đô, giữa trưa nắng thế này”, anh Hùng phân trần.
Tối cùng ngày, tại góc giao lộ Lê Văn Việt - đường Đình Phong Phú, một tổ công tác gồm CSGT, Cảnh sát 113 Công an quận 9 (TP HCM) cũng lập chốt kiểm tra và lập biên bản xử lý nhiều trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông, kết hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn. Càng về khuya người tham gia giao thông thưa dần, đây cũng là lúc “ma men” xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, khi phát hiện thấy tổ công tác, người điều khiển xe máy hầu hết là thanh niên dù đã đeo khẩu trang kín mít vẫn quay đầu xe bẻ lái rẽ sang hướng khác né tránh, thậm chí chạy ngược chiều bất chấp nguy hiểm.
Tương tự, tại Đà Nẵng, trong tối 10/5, PV có mặt tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) và ghi nhận có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị, lực lượng Công an TP Đà Nẵng vừa thực hiện mật phục, chốt chặn, vừa bắt giữ, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông và nồng độ cồn. Sau khoảng 3 giờ, có 6 trường hợp bị xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100.
Tăng cường tuần tra kiểm soát
Theo Đại uý Vũ Quang Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), sau thời gian cách ly xã hội, các quán ăn, nhà hàng, quá bia hoạt động trở lại, kéo theo vi phạm giao thông có dấu hiệu gia tăng, nhất là đối với xe máy.
“Vi phạm phổ biến là đi xe máy không đội MBH, không chấp hành tín hiệu giao thông. Để ngăn chặn và răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, Đội CSGT số 9 đã thành lập các tổ công tác xử lý theo chuyên đề trên các tuyến QL21A và QL32. Ngoài ra chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với công an 6 huyện tăng cường xử lý các tuyến đường nhánh, nơi có quán nhậu để xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, Đại úy Tú nói và thông tin thêm, Đội CSGT số 9 đã có kế hoạch phối hợp với 6 huyện trên địa bàn đơn vị phụ trách sẽ tập trung kiểm tra, xử lý tại các khu vực nhà hàng, quán bia trên địa bàn 6 huyện nhằm đảm bảo ATGT, kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ tuần tra của đơn vị đã xử lý được 253 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 3 trường hợp là ô tô, còn lại là xe máy. “Nhiều người thực hiện cách ly xã hội đã lâu, nay có dịp gặp nhau nên mải vui nâng ly rồi vẫn điều khiển phương tiện. Vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm”, Thiếu tá Đạo cho hay.
Thượng tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, những ngày qua, bắt đầu từ 20h hàng ngày, 5 lực lượng gồm CSGT, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát phòng chống ma túy, Cảnh sát cơ động Công an TP Đà Nẵng thực hiện kế hoạch phối hợp tuần tra, chốt chặn trên các tuyến đường, nút giao thông trọng yếu trung tâm TP nhằm gìn giữ, đảm bảo TTATGT. “Hai nhiệm vụ trọng tâm trong dịp này là phòng chống, ngăn chặn tình trạng tụ tập đua xe trái phép và xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100”, Thượng tá Phan Văn Thương cho hay.
“Theo đó, mỗi tổ công tác có 24-28 cán bộ, chiến sĩ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, chốt chặn xử lý và bố trí lực lượng mật phục, theo dõi và tổ chức phối hợp bắt giữ các trường hợp vi phạm”, Thượng tá Phan Văn Thương nói và thông tin, trung bình, trong mỗi ngày ra quân xử lý sau thời gian giãn cách xã hội, số lượng trường hợp vi phạm nồng độ cồn chỉ chiếm 1/3 số lượng trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật ATGT.
Theo một cán bộ CSGT Công an TP HCM, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, trong đó hành vi vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt rất nặng nên đã hạn chế được người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm khi nhiều người vi phạm không chịu đến giải quyết nộp phạt. Đáng chú ý, khi các quán ăn, nhà hàng được phép mở cửa trở lại sau lệnh giãn cách xã hội, nhiều người dường như đã “quên” Nghị định 100, vô tư uống rượu bia rồi lái xe.
Theo thống kê của Công an TP HCM chỉ trong hơn 1 tuần từ 30/4 - 6/5, các lực lượng Công an TP tiếp tục triển khai các tổ kiểm tra chuyên đề về đảm bảo trật tự ATGT, tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, đã phát hiện, xử lý 4.852 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt 292 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Từ ngày 15/5, cùng với lực lượng CSGT trên toàn quốc, các lực lượng công an sẽ thực hiện tổng kiểm soát phương tiện trên các tuyến đường trên địa bàn TP HCM.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, giãn cách xã hội dần nới lỏng, đồng thời gắn với việc các hoạt động xã hội hoạt động bình thường trở lại. Lúc này, ưu tiên cho chống dịch sẽ giảm, lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, tiếp tục xử phạt nghiêm vi phạm theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.
Trong đó, lực lượng công an sẽ tập trung phát hiện, xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường; tụ tập đua xe trái phép, gây rối mất trật tự công cộng.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền đảm bảo ATGT. Trong đó, sẽ ưu tiên tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100 và chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
T.Duy
Cục trưởng CSGT, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng:
“Lấy lại thương hiệu cho Nghị định 100”
Chiều 12/5 trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các phương tiện giao thông được phép hoạt động trở lại thì việc vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100 của người tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng chống người thi hành công vụ và đua xe trái phép diễn ra tại nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận.
“Trước đây, khi thực hiện cao điểm về Nghị định 100 tại các nhà hàng, quán bia, người dân không nhiều như bây giờ, ngay cả trong các sinh hoạt bình thường. Và dư luận cũng đã lên tiếng Nghị định 100 hình như đang bị trùng xuống”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh và cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, Cục CSGT đã có kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, bắt đầu từ ngày 15/5; tăng cường lực lượng, tập trung xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Để kế hoạch đạt hiệu quả cao, Cục CSGT đã yêu cầu trưởng phòng CSGT công an các địa phương cần tham mưu cho Ban giám đốc, chỉ đạo lực lượng CSGT từ phòng đến cấp huyện phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh, cảnh sát hình sự, công an cơ sở... tổ chức lực lượng thường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động; Sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh, để xử lý các đối tượng vi phạm; tiếp nhận hình ảnh vi phạm do các tổ chức và cá nhân cung cấp để làm rõ và xử lý...
“Việc thực hiện đợt cao điểm lần này không chỉ nhằm mục đích lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà còn lấy lại “thương hiệu” cho Nghị định 100, vốn đã được thực hiện rất nghiêm thời gian qua”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
Văn Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận