Mô hình tiên phong
Ngày 9/10, tại huyện Kim Bôi, lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình phối hợp với các lực lượng chức năng khác, như Sở Công thương, Sở Y tế đã lập hồ sơ xử lý một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Kim Bôi về hành vi bán rượu, bia, đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi.
Trước đó 1 tuần, một cơ sở khác ở huyện Kim Bôi cũng đã bị lập hồ sơ xử lý do vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vì bán rượu cho người không đủ điều kiện sử dụng theo quy định.
Đây là một trong những trường hợp đầu tiên của cả nước bị xử lý vì vi phạm các quy định của luật này.
Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình cho biết: Đây là việc khó! Tính từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực (năm 2020) đến nay gần như chưa có nơi nào làm.
Theo thượng tá Huy, qua công tác tuần tra kiểm soát, chúng tôi thấy rằng vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong giờ làm việc là cán bộ công chức, viên chức, thậm chí quân nhân và người dưới 18 tuổi.
Điều này chứng tỏ người dân không chỉ không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, mà còn không thực hiện các quy định đã được nêu ra trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chính vì thế, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh và các sở ngành tiếp tục tuyên truyền về các quy định của luật này và tăng cường xử lý các hành vi vi phạm.
Để làm được việc này, nhiều tháng qua, lực lượng liên ngành ở Hoà Bình đã phải đi đến từng hàng, quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để tuyên truyền, yêu cầu gắn biển thông báo “không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi và người không đủ điều kiện sử dụng rượu bia”, buộc các chủ cơ sở phải ký cam kết.
Sau đó, thông qua TTKS, khi phát hiện người vi phạm nồng độ cồn, CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng để làm công tác điều tra cơ bản. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành xử lý đối với các chủ cơ sở kinh doanh bia rượu, chủ nhà hàng, quán ăn vi phạm.
“Chúng tôi đã báo cáo kết quả thực hiện bước đầu lên Cục CSGT và Bộ Công an, được lãnh đạo các cấp đánh giá cao. Nếu mô hình này được nhân rộng, chắc chắn sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức, nhận thức của người dân khi sử dụng rượu bia”, Thượng tá Huy nói.
Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT Hoà Bình đang phối hợp để rà soát, xử lý các cơ sở chế độ xe, nhà xưởng sản xuất đao, kiếm, hàn xì biến công cụ lao động thành hung khí như: dao phóng lợn, mã tấu…
Sau quá trình điều tra cơ bản, ký cam kết tại các cơ sở, nếu phát hiện người sử dụng xe chế độ, hung khí qua rèn đúc… gây hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn sẽ truy tố chủ cơ sở, người sản xuất để xử lý theo quy định.
Điển hình như sáng ngày 11/10, trong quá trình tuần lưu, lực lượng CSGT-TT Công an TP Hoà Bình đã phát hiện 2 xe tự chế (dạng xe máy chế thành xe 3 gác chở hàng).
Lực lượng chức năng không chỉ xử lý tài xế, niêm phong, tạm giữ phương tiện mà còn yêu cầu cả chủ cơ sở sở hữu phương tiện này tới ký vào hồ sơ.
Một cán bộ trong tổ cho biết: Các xe tự chế này sẽ được cẩu kéo đưa về đội để phục vụ công tác điều tra. Sau đó rất có thể sẽ bị tịch thu, tiêu huỷ nếu chủ xe không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc theo quy định.
Có thể thấy rằng, đây là 2 trong số các mô hình mới, cách làm hay đang được lực lượng chức năng tỉnh Hoà Bình triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và làm tận gốc các vấn đề.
"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tăng cường xử lý vi phạm đảm bảo trật tư an toàn giao thông mà còn ngăn chặn, làm giảm tội phạm đường phố giữ bình yên cho cuộc sống", thượng tá Huy nhấn mạnh.
Phấn đấu kìm giữ, giảm TNGT những tháng cuối năm
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Hoà Bình, trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 186 vụ TNGT, làm chết 80 người và bị thương 163 người. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 14 vụ (8,1%); tăng 2 người chết (2,6%); tăng 16 người bị thương (10,09%).
Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 24,7%; chuyển hướng không đúng quy định 6,5%; tránh, vượt sai quy định 10,2%; vi phạm tốc độ 5,4%; các nguyên nhân khác 53,2%.
Đánh giá về diễn biến tình hình trật tự ATGT và TNGT tại địa phương, thượng tá Huy cho biết: Kinh tế phục hồi sau dịch bệnh khiến cho mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Nhiều tuyến đường đang trong giai đoạn thi công cũng là nguyên nhân làm tăng tai nạn.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là do năm 2023 giảm quá sâu về TNGT, trong đó giảm tới 33 người tử vong. Vì vậy, năm nay chúng tôi đang cố gắng, đặc biệt là những tháng cuối năm, phấn đấu cả năm 2024 vẫn kìm giữ và kéo giảm TNGT.
Theo Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, từ nay tới cuối năm, Ban và các cơ quan đơn vị sẽ tiếp tục bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình theo từng thời điểm, trọng tâm là Kế hoạch 06 năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị.
Vì vậy, phải luôn bám sát nội dung chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND, Ban ATGT, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng thuộc cấp quản lý.
Đối với các địa phương có tai nạn tăng cao đề nghị tổ chức hội nghị đề ra các giải pháp kéo giảm tai nạn trong những tháng tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận