Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn Lê Văn Kiên (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) hỏi: "Chiều 23/1, nhà tôi cúng tất niên, tôi có uống rượu rồi dắt xe đi rửa qua chốt CSGT thì bị kiểm tra. Cùng với thời điểm trên, cũng có một số người điều khiển xe máy trong tình trạng mặt đỏ, bị CSGT gọi vào kiểm tra đo nồng độ cồn. Vậy, xin hỏi trong trường hợp tôi dắt xe qua chốt CSGT như vậy, có bị xử lý vi phạm nồng độ cồn hay không?"
Trả lời câu hỏi này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Pháp luật hiện hành quy định, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, ô tô không được phép trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn hay chất kích thích. Mọi người điều khiển phương tiện vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định.
Với tình huống nêu trên, đối với việc xử lý vi phạm giao thông, kiểm tra đo nồng độ cồn, nếu CSGT có căn cứ trước đó người uống rượu điều khiển xe; hoặc có camera ghi lại hình ảnh trước đó người uống rượu điều khiển xe, mà khi tới gần chốt của CSGT, người này xuống dắt xe máy qua thì việc CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn, xử phạt vi phạm là đúng với quy định.
Còn trường hợp, nếu nhà người uống rượu có xe máy ở gần khu vực gần chốt CSGT, họ chỉ dắt xe đi rửa xe, dắt xe đi cất, hơn nữa người đó chưa ngồi lên xe để điều khiển thì CSGT không có căn cứ xử lý vi phạm đo nồng độ cồn.
Ngay cả trường hợp, người điều khiển xe máy đến quán nhậu đã uống rượu và khi ra về ý thức được việc nếu điều khiển phương tiện sẽ bị CSGT kiểm tra xử lý. Theo đó, người điều khiển xe máy, uống rượu xong dắt xe máy từ quán nhậu về nhà thì CSGT cũng không có căn cứ để kiểm tra nồng độ cồn, vì trên thực tế người này không tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nếu có người điều khiển phương tiện uống rượu bia mà thấy CSGT rồi xuống xe dắt bộ để né chốt CSGT, là một trong những hành vi đối phó, không nên thực hiện để đảm bảo an toàn, tránh gây cản trở giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận