Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ tích hợp quy định về khoảng cách và tốc độ để giải quyết được các bất cập hiện nay.
Vi phạm tốc độ là 1 trong 6 hành vi nguy hiểm
Thưa ông, tốc độ có tác động thế nào đến đảm bảo ATGT?
TNGT và hậu quả có liên quan trực tiếp tới tốc độ. Bởi vậy vi phạm tốc độ là 1 trong 6 hành vi nguy hiểm, rủi ro cao, trực tiếp dẫn tới TNGT. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có nhiều nghiên cứu về quan hệ giữa tốc độ - an toàn giao thông.
Một nghiên cứu gần đây của WHO cho thấy, có mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số TNGT, theo đó nếu giảm tốc độ 5% thì sẽ giảm số TNGT nghiêm trọng tới 30%. Một nghiên cứu khác tại châu Âu cho thấy, khi tốc độ giao thông thay đổi tăng hoặc giảm 1km/h thì tai nạn thay đổi trong khoảng từ 1 - 4% với các đường đô thị và 2,5 - 5,5% đối với các con đường ở ngoại ô, với quy luật tốc độ tăng thì TNGT tăng và tốc độ giảm thì TNGT giảm.
Bởi vậy các quốc gia trên thế giới luôn hướng tới việc hoàn thiện quy định về tốc độ, kiểm soát rất chặt chẽ việc tuân thủ tốc độ và có các mức xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm tốc độ.
Tại Việt Nam, việc quản lý tốc độ đang được thực hiện thế nào?
Tại Việt Nam, quản lý tốc độ giao thông đã được đặt ra từ rất lâu và có những nền tảng pháp luật cũng như tổ chức thực thi. Các quy tắc giao thông liên quan tới tốc độ được xác lập trong Luật Giao thông đường bộ 2008, các quy định về tốc độ giới hạn với từng loại xe và loại đường được quy định trong Thông tư về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới của Bộ GTVT (hiện nay là Thông tư 31), biển báo tốc độ được quy định trong Quy chuẩn VN 41, xử phạt với hành vi vi phạm tốc độ được quy định cụ thể và nghiêm khắc trong Nghị định 100.
Hành vi vi phạm tốc độ đã và đang được xử lý nghiêm, với nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ, cho phép xử phạt nguội hành vi này trên địa bàn nhiều địa phương và tuyến đường trên toàn quốc. Về cơ bản công tác quản lý tốc độ đã và và đang được thực hiện khá tốt. Trong báo cáo An toàn đường bộ toàn cầu của WHO năm 2018 thì cưỡng chế thực thi tốc độ của Việt Nam được đánh giá ở thang điểm 7/10, một mức điểm khá cao so với mức bình quân trên thế giới.
Chuẩn hóa quy định về tốc độ
Tuy nhiên, không phải là không còn bất cập, thưa ông?
Mặc dù đạt được nhiều kết quả về quản lý tốc độ giao thông, tuy nhiên công tác quản lý tốc độ giao thông tại Việt Nam hiện đang bộc lộ nhiều bất cập.
Trong khu vực đô thị và khu đông dân cư, phần lớn các quốc gia có điều kiện kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tốt hơn Việt Nam, ý thức tham gia giao thông của người dân được đánh giá là cao hơn Việt Nam nhưng tốc độ mà nhiều quốc gia phát triển áp dụng trong khu vực đông dân cư thường là 50km/h (thậm chí đang có xu hướng chuyển sang mức thấp hơn là 30km/h). Trong khi đó Việt Nam đang áp dụng 60km/h. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro gây tai nạn và hậu quả của các vụ TNGT trong khu vực đông dân cư tại Việt Nam có thể cao hơn.
Với các tuyến đường không cắm biển báo tốc độ, về nguyên tắc người tham gia giao thông phải đi theo quy định trong thông tư hiện hành quy định về tốc độ, mặc dù thông tư là văn bản quy phạm pháp luật, rõ ràng mức độ tiếp cận và am hiểu của công chúng với thông tư chắc chắn sẽ không bằng luật. Các nội dung trong thông tư thông thường phù hợp cho đối tượng là cơ quan quản lý nhiều hơn. Bởi vậy, quy định về tốc độ vốn là một quy định có tính đại chúng cao, nên được đưa vào một văn bản pháp luật có tính đại chúng hơn (ít nhất là Nghị định).
Phương tiện vận tải có kích thước và khối lượng càng lớn và chở càng nhiều người thì khoảng cách dừng xe càng lớn, hậu quả TNGT càng cao, chính bởi vậy phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận theo hướng phương tiện có sức chứa lớn, xe tải sẽ có tốc độ giới hạn thấp hơn các xe con. Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, các tuyến đường có cắm biển hạn chế tốc độ thì mọi loại xe (dù là xe khách hay xe tải) đều có thể được chạy với tốc độ cao nhất cho phép, đây là một bất cập lớn cần được khắc phục.
Trên cao tốc, do thiếu quy tắc giao thông hoặc tổ chức giao thông bất hợp lý, dẫn tới tình trạng những xe khách, xe tải thường xuyên chạy vào làn vượt với tốc độ rất cao. Ngoài ra khá nhiều xe con với tốc độ rất thấp cũng đi vào làn vượt buộc các xe khác phải thường xuyên tránh, chuyển làn... gây mất ATGT.
Các khu vực phức tạp về giao thông như: Trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại... hiện chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới, các khu vực này được đưa vào diện kiểm soát tốc độ nghiêm ngặt và tốc độ lưu thông tối đa cho phép thường là 30km/h.
Hiện chưa có một hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trong đó có các hướng dẫn về kiểm soát tốc độ. Chính điều này đã dẫn tới thực tế nhiều nơi đường tốt, không giao cắt nhưng tốc độ giới hạn thấp trở thành một cái bẫy với người lái xe, ngược lại nhiều nơi giao thông phức tạp thì tốc độ không được kiểm soát dẫn tới nhiều vụ TNGT, những điều này đang gây bức xúc trong người dân và dư luận.
Ngoài ra, một số xe tải bản chất là xe chuyên dụng (xe trộn bê tông...) hiện đang được phép di chuyển với tốc độ cao như xe tải trong khu vực dân cư cũng là một nguyên nhân dẫn tới nhiều TNGT.
Nguyên nhân dẫn tới các bất cập trên là do thiếu quy tắc và hướng dẫn tổ chức giao thông trên cao tốc dẫn tới tình trạng nhiều xe đi chậm đi vào làn xe vượt, tình trạng xe khách, xe tải chạy nhanh như xe con trên làn vượt.
Tồn tại trong cấp đất và phát triển đô thị đã dẫn tới có quá nhiều khu dân cư dọc các tuyến quốc lộ, biến quốc lộ thành các tuyến phố, điều này ảnh hưởng lớn tới năng lực vận chuyển của các tuyến trục quan trọng này.
Trong khi đó, trong đô thị, tốc độ giới hạn còn khá cao so với điều kiện hạ tầng và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Chưa có quy định tốc độ phù hợp với từng loại xe với các đường có cắm biển báo tốc độ.
Bao trùm lên tất cả các vấn đề trên, hiện chưa có một hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trong đó có các hướng dẫn về kiểm soát tốc độ.
Những bất cập trên sẽ được khắc phục thế nào, thưa ông?
Các vấn đề trên đang được xem xét nghiên cứu để tích hợp vào trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi, để giải quyết được các bất cập hiện nay, quản lý tốc độ giao thông nên chú trọng tới các nội dung:
Chuẩn hóa các quy định về tốc độ trong Nghị định hoặc thông tư Bộ GTVT và công bố rộng rãi trong một tài liệu ổn định duy nhất mà tất cả người dân có thể tiếp cận, ví dụ Quy tắc giao thông đường bộ.
Giảm tốc độ khu vực đô thị và đông dân cư xuống 50km/h với tất cả các loại đường. Tất nhiên với những tuyến đường được kiểm soát giao cắt (cao tốc, ví dụ như Vành đai 3) thì dù đi qua khu vực đô thị vẫn có thể cắm biển tốc độ cao hơn. Hoàn thiện quy tắc giao thông về làn và tốc độ với các loại phương tiện khác nhau trên cao tốc.
Cập nhật quy định về tốc độ theo nguyên tắc biển báo tốc độ chỉ áp dụng loại phương tiện có tốc độ cao nhất (xe con) xe khách có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con 10km/h và xe tải sẽ có tốc độ cho phép thấp hơn xe khách 10km/h. Như vậy trên một tuyến đường có biển báo tốc độ 80km thì xe con sẽ được chạy tối đa 80km/h, xe khách sẽ là 70km/h còn xe tải là 60km/h.
Ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc, trong đó có hướng dẫn kiểm soát tốc độ trong các tình huống điển hình, đặc biệt với các khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như: Trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ… trong đó nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy định giảm tốc độ các đoạn tuyến đường xung quanh trường học (300 - 500m tính từ trường học) xuống 30km/h... Tiếp tục xem xét giảm tốc độ giới hạn các loại xe tải có kích thước tải trọng lớn trong khu vực đô thị và khu đông dân cư.
Tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu liên quan tới TNGT. Khi những nội dung này được luật hóa, chắc chắn sẽ đem những tác động lớn trong bảo đảm trật tự ATGT.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận