Thượng úy Thân Viết Sinh dạy các ""học viên"" về MBH đạt chuẩn |
Gom người vi phạm để dạy ATGT
Mới đây, một lớp học “đặc biệt” không bảng xanh, phấn trắng được dựng lên ngay trong phòng xử lý vi phạm của Công an TP Hà Tĩnh. Giáo viên là cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT, Công an TP Hà Tĩnh và học viên là hơn 60 thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm giao thông đã bị Công an TP Hà Tĩnh phát hiện, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện.
Mở đầu buổi học, các “học viên” được xem những hình ảnh, video về các sai phạm phổ biến khi tham gia giao thông như: Không đội MBH, vượt đèn đỏ, chở 3 người, dàn hàng 2, hàng 3 khi tham gia giao thông...
Tiếp đến là hình ảnh một số vụ TNGT thương tâm xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông. Cuối cùng là giờ thảo luận, các giảng viên CSGT trả lời câu hỏi của người vi phạm, hoặc nêu câu hỏi để người vi phạm trả lời.
Lớp học kết thúc, các “học trò” - người vi phạm giao thông ký bản cam kết không tái phạm, ra kho nhận lại phương tiện bị lực lượng CSGT tạm giữ trước đó để về nhà.
Là một học viên trong lớp học “đặc biệt” vừa rồi, em L. L. N (SN 2003) cho biết: “Lâu nay cháu và các bạn cứ hay chọn mua MBH nhẹ gọn, thời trang về đội mà không biết mũ đó không đạt chuẩn. Sau khi được các chú CSGT phân tích, lý giải, cho xem hình ảnh, video clip… cháu đã hiểu được những nguy hiểm rình rập bản thân khi đội MBH không đạt chuẩn. Ngay chiều nay về, cháu sẽ xin bố mẹ tiền ra siêu thị mua một chiếc MBH đạt chuẩn để đội khi tham gia giao thông”.
Giáo dục ATGT trong lúc xử lý vi phạm
Từng 4 năm “đứng lớp” giáo dục pháp luật ATGT cho các thanh, thiếu niên, học sinh ở lớp học “đặc biệt”, Thượng úy Thân Viết Sinh, Đội phó Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Vào những năm 2012, ở TP Hà Tĩnh xuất hiện rất nhiều thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng xe máy, xe máy điện, xe đạp điện nhưng không đội MBH; chở quá người cho phép; đi hàng, hai ba; lạng lách đánh võng…
"6-7 năm trước, trong vòng một tuần, số thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm giao thông bị Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh xử lý có thể mở từ 1 - 2 lớp học. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai mô hình kết hợp này, trung bình một tuần, số lượng thanh, thiếu niên vi phạm giao thông chỉ tính trên đầu ngón tay”. Thượng úy Thân Viết Sinh |
Trước thực tế đó, lãnh đạo Công an TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT chủ trì, phối hợp tăng cường TTKS, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Mặt khác, phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn; Phòng GD&ĐT thành phố cùng các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên và các em học sinh, sinh viên. Cũng từ đó, mô hình gom người vi phạm, mở lớp giáo dục được hình thành.
Theo Thượng úy Sinh, “trung bình, mỗi năm Đội mở 2 lớp. Tuy nhiên, năm nào tình hình thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm tăng đột biến thì Đội mở 3 - 4 lớp. Mỗi lớp có từ 60 - 70 học sinh, đều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đã vi phạm giao thông bị CSGT phát hiện, bắt giữ, lập biên bản tạm giữ phương tiện. Các em được hẹn tập trung vào 1 ngày để học pháp luật ATGT, ký cam kết không tái phạm trước khi được xử lý để nhận lại phương tiện”.
Thượng tá Nguyễn Công Dũng, Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết thêm: “Các em được giáo dục đều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, đang trong giai đoạn có những biến đổi lớn về mặt thể chất và tâm sinh lý. Nên, phương pháp giáo dục mới, kết hợp giữa việc tạm giữ phương tiện, xử phạt hành chính nhằm răn đe với giáo dục bằng hình ảnh cụ thể, trực quan, sinh động tác động trực tiếp vào tâm lý, nhận thức của người vi phạm… cho hiệu quả tốt. Sau 7 năm triển khai đến nay, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh vi phạm giao thông đã giảm đi rõ rệt”, Thượng tá Dũng cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận