Đầu năm 2019, nhiều người không khỏi bàng hoàng vì trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc khi một xe container chở gạo bất ngờ tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt trên QL1A, đoạn gần cầu Bến Lức (Long An) khiến 4 người tử vong và 20 người khác bị thương trong hoảng loạn.
Vụ việc không chỉ mang đến đau thương, mất mát cho gia đình các nạn nhân mà còn khiến người tham gia giao thông ái ngại cho sự an toàn của bản thân khi dừng xe chờ đèn đỏ. Khi sự hoang mang của dư luận chưa chấm dứt, mới đây, các vụ TNGT do ô tô đâm vào xe máy tại khu vực đèn tín hiệu lại liên tiếp xảy ra.
Điển hình, ngày 20/6 vừa qua, trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai), một ôtô 4 chỗ khi lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, đến ngã ba Hoa Lư đã tông 5 xe máy đang dừng đèn đỏ và húc lật một ô tô phía trước khiến 3 người bị thương và 7 phương tiện hư hỏng nặng.
Cách đó không lâu, tối 16/4, tại Hà Nội, hai thanh niên ngồi trên xe máy BKS 36K5-133.38 đang dừng đèn đỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ bị xe ô tô BKS 29C-382.xx đâm mạnh từ phía sau khiến hai người đi xe máy thương nặng.
Cũng có thể kể tới các trường hợp xe ô tải BKS 79C - 021.51 đâm hai xe máy dừng đèn đỏ trên đường Lý Thường Kiệt, TP Đồng Hới (Quảng Bình) chiều 16/4 khiến 2 người nguy kịch. Hay vụ tai nạn giữa một chiếc ô tô 5 chỗ tông vào đoàn xe máy dừng chờ đèn tín hiệu tại ngã tư Quán Sứ - Tràng Thi (Hà Nội) khiến ít nhất 2 người bị thương vào tối 6/5.
Các vụ việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo với các cấp chức năng trong việc tổ chức giao thông, bảo vệ sự an toàn của người tham gia giao thông bằng xe máy, nhất là khi dừng đèn đỏ theo đúng Luật GTĐB.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các vụ tai nạn trên ngoài lỗi chủ quan của tài xế còn thể hiện sự bất cập trong cách tổ chức giao thông hỗn hợp ở Việt Nam. Để ngăn chặn nguy cơ TNGT tương tự, ngoài việc phải xử nghiêm những tài xế gây tai nạn tạo sự răn đe, cơ quan chức năng cần cấp thiết nghiên cứu, thiết kế làn đường riêng cho xe máy trên những tuyến đường mới, có bề mặt đủ rộng (đáp ứng được lưu lượng phương tiện) để phân tách ranh giới giữa các loại phương tiện.
“Trong các vụ tai nạn do ô tô gây ra, nguyên nhân do hỏng hóc máy móc, yếu tố kỹ thuật chỉ chiếm phần nhỏ. Lý do cốt lõi vẫn xuất phát từ hành vi của lái xe, nhiều người dù điều khiển ô tô nhưng vẫn cố tình sử dụng chất kích thích như: Ma túy, bia rượu… dẫn đến không làm chủ được tay lái, mất đi sự cảnh giác khi dừng xe ở khu vực đèn tín hiệu.
Thời gian tới, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường cần áp dụng bài kiểm tra về độ tỉnh táo của lái xe (DUI) với ba bài kiểm tra đã chuẩn hóa: Kiểm tra rung giật nhãn cầu, Kiểm tra đi và xoay người và Kiểm tra đứng một chân. Phương pháp này không tốn kém nhưng có độ chính xác đến 98%, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những lái xe có nguy cơ gây TNGT, đảm bảo ATGT cho mọi người trên đường”, TS. Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận