Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông. Trong đó, có 5-6 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất… đặc biệt, mưa, lũ có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp&PTNT) nâng cao năng lực theo dõi, giám sát và đánh giá tác động của thiên tai đến KT-XH; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác, đảm bảo phục vụ thường trực, trực ban, họp chỉ đạo điều ứng phó.
“Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị các phương án, kịch bản, sẵn sàng nguồn lực dự trữ thiết yếu tại địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai.
Đồng thời, chỉ đạo và triển khai giải pháp nâng cao năng lực của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp, ưu tiên củng cố trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, phân tích diễn biến, tác động của thiên tai, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, cung cấp, kết nối trực tuyến với cơ quan PCTT tại trung ương”, văn bản nêu.
Ban đạo TƯ về PCTT cũng đề nghị ban chỉ huy các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước,... Xác định các trọng điểm xung yếu, tổ chức tuần tra canh gác, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng; Chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.
Cùng đó, tăng cường kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm; trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo ra khơi. Kiểm tra hiện trạng các khu neo đậu, chủ động sửa chữa các hư hỏng, nạo vét luồng lạch và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn.
“Ban chỉ huy các địa phương cũng cần đẩy mạnh hoạt động quỹ PCTT, xây dựng kế hoạch, phát huy hiệu quả quỹ; Thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch; Nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, đảm bảo hiệu quả và bền vững đời sống của nhân dân, phục vụ phát triển KT-XH”, chỉ thị nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận