Chiếc xe “hổ vồ” cơi nới thành thùng chở quá tải từ mỏ đá Bazan (huyện Quốc Oai, Hà Nội)ra đường Hồ Chí Minh |
Tổng cục Đường bộ VN đang đề xuất Bộ GTVT cho phép lắp camera giám sát xe quá tải tại một số điểm “nóng”, đặc biệt tại một số tuyến đường có mỏ vật liệu trên địa bàn Hà Nội. Toàn bộ dữ liệu thu được từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Tổng cục làm cơ sở để yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xử lý.
Bóc trần hoạt động của xe quá tải
Theo ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng và chính quyền tại địa bàn nhiều lần kiểm tra các bãi bốc xếp hàng hóa, mỏ khai thác vật liệu và yêu cầu cam kết không chở quá tải, bốc xếp hàng hóa đúng quy định. Đồng thời, tiến hành xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm chở quá tải, đặc biệt trên QL21 và đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành rút đi, mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ VN), việc lắp camera giám sát sẽ là giải pháp để biết được tình trạng xe quá tải tại các địa bàn có nhiều mỏ vật liệu. Hình ảnh thu được từ camera sẽ là “dữ liệu sống” và được sử dụng làm căn cứ phản ánh với chính quyền địa phương, từ đó có chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc xử lý.
“Ví dụ như ở Hà Nội có 42 mỏ đá nằm dọc đường Hồ Chí Minh và QL21, kéo dài hơn 23 km nên lực lượng chức năng rất khó kiểm tra. Chỉ cần lắp gai camera ở QL21 và đường Hồ Chí Minh sẽ ghi được hình ảnh tất cả các xe tải của các mỏ này. Bên cạnh đó, hiện xe tải từ 7 tấn trở lên đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Thông qua thiết bị này có thể giám sát hành trình, xác định được chiếc xe có dấu hiệu quá tải đó đang ở vị trí nào để có thể yêu cầu lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý”, ông Lâm cho biết.
Camera được sử dụng thế nào để chặn xe quá tải?
Cho biết về chủ trương lắp camera giám sát xe quá tải, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đang đề xuất với Bộ GTVT cho phép trang bị hệ thống camera trong thời gian tới để ghi hình ảnh xe ô tô có dấu hiệu chở hàng quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng và các vi phạm khác về trật tự ATGT.
"Tổng cục Đường bộ VN vẫn đang phối hợp với Tổng cục Cảnh sát và cơ quan cảnh sát điều tra theo dõi, kiểm soát cả doanh nghiệp và người thực thi công vụ để xử lý lực lượng “cò” và lực lượng bảo kê xe quá tải. Trong điều kiện nhân lực hạn chế, khi bắt được xe quá tải ở khu vực nào thì Thanh tra Tổng cục sẽ bàn giao lại cho Thanh tra Sở GTVT khu vực đó xử lý. Các tỉnh phải có trách nhiệm giữ đường, kể cả quốc lộ đi qua tỉnh. Để xử lý xe quá tải thì vai trò chính vẫn là của địa phương xử lý nghiêm minh”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
Theo ông Huyện, hạ tầng giao thông ngày càng được phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tham gia giao thông lớn trong khi lực lượng công chức Thanh tra mỏng nên việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe ngày càng gặp nhiều khó khăn. Vì mục tiêu kiểm soát, ngăn chặn xe quá tải một cách bền vững, kéo giảm TNGT, đồng thời giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, phòng ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, việc lắp đặt hệ thống camera ghi lại hình ảnh các phương tiện tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Hệ thống camera ghi và lưu giữ hình ảnh các phương tiện lưu thông làm cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, phát hiện xe quá khổ, quá tải, cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng kiểm tra tải trọng xe của các địa phương và cũng là căn cứ để xác định vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cụ thể, camera khi được lắp tại các đường vào mỏ vật liệu, dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN sau đó sẽ được trích xuất chuyển cho các địa phương biết được tình trạng xe quá tải tại các mỏ vật liệu để xử lý. Nếu dùng để “phạt nguội” thì chưa được nhưng chính quyền các địa phương sẽ biết được tình trạng xe quá tải tại các mỏ vật liệu đang diễn ra như thế nào để điều lực lượng kiểm tra, xử lý, qua đó tạo được tính công khai, minh bạch trong xử lý xe quá tải. Theo ông Huyện, camera sẽ chỉ lắp ở các điểm “nóng”, có nhiều xe quá tải như một số tỉnh phía Bắc có nhiều mỏ đá, quặng như: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình...
“Có những tuyến đường như đường Hồ Chí Minh và QL21 tới các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, phương tiện cung cấp vật liệu cho TP Hà Nội bắt buộc phải đi qua. Nếu lắp camera để giám sát phương tiện ra vào từ 42 mỏ đá trên tuyến này sẽ biết được tình trạng xe quá tải đã hết hay chưa. Qua đó, sẽ giảm bớt được nhân lực cho công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ. Cách làm này ngoài giúp nắm bắt tình hình khiến cho lái xe, doanh nghiệp biết mình đang bị theo dõi sẽ có sự chuyển biến về ý thức chấp hành. Khi đã có hình ảnh truyền về, xác định có vi phạm thì sẽ bố trí lực lượng chặn bắt để xử lý”, ông Huyện cho biết.
Được biết, đến nay, Cục Quản lý đường bộ II, đơn vị được giao kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn 7 tỉnh từ Ninh Bình đến Thừa Thiên - Huế cũng đã đề xuất Tổng cục Đường bộ VN cho phép lắp đặt hệ thống camera ghi hình xe ô tô có dấu hiệu chở hàng quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng và các vi phạm khác về trật tự ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận