Lấn lề quốc lộ, biến tỉnh lộ thành chợ
Ngã tư Phố Cà, nơi giao cắt giữa đường tỉnh 495B và QL1 từ nhiều năm nay trở thành khu chợ chiều của người dân trong khu vực. Một nửa phần đường bên trái truyến bị những tiểu thương từ khắp nơi về bày bán đủ thứ từ rau củ quả, bò gà cá, cho đến các loại thức ăn nấu sẵn, quần áo, đồ dùng.
Đoạn đường dài khoảng nửa kilomet biến thành chợ, họp chủ yếu vào buổi chiều và giờ tan ca của các công nhân nhà máy gấu bông Hàn Quốc. Không chỉ họp chợ chiếm 1 nửa đường tỉnh, một số tiểu thương còn quay ra bày bán cả trên QL1. Người vào ra, mua bán tấp nập gây mất ATGT, nhất là ở phía QL1 - nơi dòng xe tải nối đuôi nhau chạy.
Một nửa tỉnh lộ 495B bị người dân lấn chiếm, làm nơi kinh doanh buôn bán, họp chợ
Đi sâu theo TL495B qua cầu Bồng Lạng vào khu vực cổng nhà máy xi măng Xuân Thành và đường trục chính qua cổng chợ của làng Bồng Lạng. Tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán cũng diễn ra rất phổ biến. Đường vốn rộng, 2 ô tô tránh nhau thoải mái nhưng giờ một xe đi còn phải lách.
Ông Nguyễn Văn Khánh (xóm 4) cho biết: Mỗi lần đi xe về làng, tôi rất ngại phải đi qua đây. Hàng quán lấn chiếm đường, người mua kẻ bán tấp nập. Nhiều khi mình có còi họ cũng không tránh. Vì vậy, tôi thường phải đi tránh giờ họp chợ, hoặc đi vòng theo đường ngõ đầu làng để về, vừa bất tiện vừa sợ tai nạn do hay có trẻ con trong ngõ chạy ra đường.
Không chỉ ở xã Thanh Nghị, mà ở các xã như Thanh Hương, Thanh Phong, Thanh Hà người dân cũng lấn chiếm toàn bộ vỉa hè làm nơi bày bán chậu hoa cây cảnh, làm mái che, biển quảng cáo, thậm chí còn làm rạp cưới lấn ra cả 1 phần đường xe cơ giới của QL1. Hành lang bị lấn chiếm nên người đi bộ, người đi xe đạp phải đi ra đường xe cơ giới, vô cùng nguy hiểm.
Tương tự, ở các tuyến như QL21, QL21B qua Kim Bảng, đường tỉnh 493B (xã Tiên Tân, TP Phủ Lý), đường tỉnh 495, 499B qua thị trấn Tân Thanh và khu vực cầu Nga, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giao thông để buôn bán, họp chợ cũng diễn ra rất phổ biến.
Người dân họp chợ, bày bán hàng quán lấn ra QL1. (Ảnh: QL1 đoạn qua chợ cầu Gừng)
Khi PV hỏi về các vị trí lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ, kinh doanh buôn bán, ông Lê Quý Hoạch - Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị nắm rất rõ từng điểm.
Ông Hoạch cho biết, đường Bồng Lạng là đường thôn, xã cũng đã nhiều lần tổ chức xử lý, dẹp bỏ tình trạng này và giao lại cho thôn quản lý. Đến nay cơ bản, đã không còn tình trạng hàng quán lấn ra đường vào buổi sáng. Còn trên đường tỉnh 495B, chúng tôi cũng đã dẹp toàn bộ chợ tự phát ở khu đầu cầu Bồng Lạng và cổng nhà máy xi măng Xuân Thành. Gần đây, xuất hiện một vài hộ nhỏ lẻ đưa ra bày bán theo kiểu hàng rong, chắc là người trong thôn nên thôn mới tạo điều kiện cho bà con như thế. Tới đây xã sẽ tuyên truyền nhắc nhở và xử lý.
Theo ông Hoạch, so với các địa phương lân cận, xã Thanh Nghị đang làm tương đối tốt. Muốn xử lý được triệt để tình trạng lấn chiếm hành lang, lòng đường, vỉa hè, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân trong việc lập lại trật tự cũng như duy trì kết quả sau mỗi đợt ra quân.
Xử lý vi phạm hành lang ATGT chỉ như “đá ném ao bèo”
Ông Dương Văn Hội, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nam cho biết: Trong năm 2022, lực lượng TTGT đã phối hợp với chính quyền Thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân đã giải toả nhiều trường hợp vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ. Giải toả các tụ điểm chợ cóc họp trái phép trên đường giao thông, như: Bình Nghĩa, cầu Không, cầu Tróc... Lực lượng TTGT đã xây dựng 2 kế hoạch phối hợp với đơn vị quản lý đường xử lý, giải tỏa vi phạm trong phạm vi lòng, lề đường, phạm vi đất của đường bộ đã đền bù GPMB trên tuyến đường ĐT 493 và ĐT 491; Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với đơn vị quản lý đường xử lý, giải tỏa vi phạm họp chợ khu vực chợ cầu Nga và các vi phạm buôn bán hàng hóa, vật liệu xây dựng.. lấn chiếm lòng, lề, hè đường trên tuyến đường ĐT 495 và ĐT 499B.
Biển báo, công trình kiên cố đua ra chiếm cả một phần làn đường dành cho xe thô sơ trên QL1 (Ảnh: QL1 đoạn qua xã Thanh Hà, Thanh Liêm)
Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đấu nối, xây dựng công trình, kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng vi phạm hành ATGT đường bộ: Lập biên bản làm việc đối với 17 tổ chức, cá nhân; yêu dừng thi công, khôi phục lại tình trạng ban đầu và làm các thủ tục cấp phép theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Hội, Nghị định số 11 năm 2010 của Chính phủ và Quyết định số 22 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Nam đã quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, từng đơn vị trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương. Theo đó, tỉnh đã giao cho các cấp chính quyền địa phương chủ trì cùng với đơn vị quản lý đường bộ thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, chống tái lấn chiếm. Còn TTGT chỉ là lực lượng phối hợp khi có yêu cầu. Thế nhưng, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện tốt. Hàng năm đều có ra quân, có xử lý nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”. Có khi đoàn vừa làm xong rời đi, người dân đã tái lấn chiếm, tái vi phạm.
Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam - Nguyễn Quang Tuyển cũng thừa nhận: Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, hành lang ATGT tại Hà Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, khiến cử tri và nhân dân bức xúc. Các quy định của Chính phủ, Luật GTĐB, Nghị định 100, Nghị định 123 đã phân rõ trách nhiệm: hành lang ATGT trên các địa bàn địa phương nào thì giao cho địa bàn, địa phương đó quản lý, sử dụng và xử lý vi phạm. Riêng về lấn chiếm lòng lề đường thì giao trách nhiệm cho đơn vị quản lý đường, trong đó có vai trò trách nhiệm của tuần đường và TTGT.
Ở Hà Nam hiện nay nổi cộm có 3 hình thức vi phạm: lấn chiếm để buôn bán, họp chợ, làm chợ cóc; lấn chiếm để kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, mở hàng quán, làm mái che, mái vẩy và lấn chiếm HLATGT để xây dựng công trình kiên cố trái phép như lều quán, ki-ốt, đấu nối... Mặc dù đã quy trách nhiệm rõ ràng, nhưng việc xử lý ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt. Hàng năm các địa phương vẫn ra quân, vẫn xử lý nhưng còn mang tính hình thức nên cứ dẹp xong, hết kế hoạch thì đâu lại vào đấy.
“Đối với lòng lề đường, các đơn vị quản lý đường cũng đã có sự vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhưng chưa hiệu quả vì lý do các đơn vị này không đủ thẩm quyền xử lý. Vì vậy đề nghị lực lượng TTGT giao thông phải vào cuộc. Hàng năm có kế hoạch phối hợp, ra quân, cương quyết xử lý triệt để đối với các trường hợp vi phạm. Sau khi giải tỏa bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, chống tái lấn chiếm. Ngoài ra, phải thường xuyên đi kiểm tra, để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Nhất là các vi phạm về đấu nối, vi phạm xây dựng công trình kiên cố, phải xử lý cương quyết, nếu cần thì phải thực hiện cưỡng chế để tạo tính răn đe, tránh tình trạng lập biên bản vi phạm rồi làm ngơ cho tồn tại”, ông Tuyển đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận