Đường Vinh - Cửa Lò đã thông xe nhưng có quá nhiều nút giao hình thái phức tạp tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Tháng 4/2017, đường N5 nối QL1 đi QL7 Hòa Sơn, Đô Lương (nay là QL7C) hoàn thành. Con đường chiến lược vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ các huyện phía Tây, tỉnh Nghệ An về khu công nghiệp Nam Cấm và các cảng biển đã mở toang cơ hội phát triển, kết nối giao thương. Nhưng kèm theo đó là những vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.
Liên tiếp trong 2 năm từ 2017 – 2019, trên tuyến này đã ghi nhận hàng chục vụ TNGT làm nhiều người chết, bị thương, thiệt hại về tài sản cũng khó thống kê hết.
Khi phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, ngoài lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: đi không đúng làn đường, thiếu quan sát thì không thể không kể đến yếu tố tổ chức giao thông.
Tuyến đường cho phép chạy tốc độ cao nhưng tồn tại nhiều nút giao đồng mức với đường thôn xóm. Nhiều vị trí bị che khuất tầm nhìn do nút giao có hình thái phức tạp, xiên chéo, khuất tầm nhìn.
Sau đó, để khắc phục, Ban ATGT tỉnh Nghệ An, Sở GTVT đã không ít lần phải cải tạo bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo nguy hiểm, gồ giảm tốc... Nhưng do các biện pháp thực hiện sau không đồng bộ nên đến nay TNGT vẫn xảy ra. Mỗi khi nhắc đến đường N5 hay QL7C, ai cũng phải lắc đầu ngao ngán mà gọi nó với cái tên “cung đường tử thần”.
Những vụ TNGT liên tiếp khiến đường N5 (QL7C) trở thành nỗi ám ảnh với người dân xứ Nghệ
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra trên tuyến đường 35 nối từ QL46 (xã Nghi Ân) đi đường ven Sông Lam (QL46C). Đường hoàn thành năm 2018, và cũng từ đó đến nay có hơn chục vụ TNGT chết người xảy ra.
Đáng nói, nơi xảy ra tai nạn lại chủ yếu tập trung ở các điểm giao cắt như: nút giao QL46 (Nghi Ân), nút giao với đường Vinh - Cửa Hội (xã Hưng Lộc); nút giao đường Lê Quý Đôn, nút giao với đường 90 m (xã Nghi Đức).
Theo Ban ATGT tỉnh Nghệ An, các tuyến đường mới mở sở dĩ thường xuyên xảy ra tai nạn là do lưu lượng xe nhiều và chạy tốc độ cao, từ phía đường dân sinh, nhiều người đi đường chưa có thói quen ra đường lớn và thiếu tập trung, không quan sát nên rất dễ mắc phải.
Tuy nhiên, một thực tế ai cũng nhìn thấy đó là việc tổ chức giao thông ở các nút giao chưa phù hợp. Như vị trí giao với QL46 là giao dạng ngã ba xiên chéo, các ngã tư giao khác thì không có đèn tín hiệu, đèn cảnh báo...
Đường 35m nối QL46 lên đường ven sông Lam mới hoàn thành chưa lâu cũng liên tiếp xảy ra tai nạn chết người
Đầu năm 2021, Dự án đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò lần đầu tiên thông tuyến sau hơn 10 năm triển khai. Khi đi trên tuyến đường, chúng tôi không khỏi lo ngại khi mà trên tuyến có quá nhiều điểm giao cắt với đường liên xã, liên thôn và đường xóm.
Đáng nói, gần như tất cả các nút giao đều dưới hình thái phức tạp, nơi thì xiên chéo, nơi thì bị che khuất tầm nhìn bởi nhà cửa, cây cối; có nơi chênh cao độ tạo thành đường lên dốc nguy hiểm.
Trong khi đó, tuyến chính là đường thẳng đẹp, lưu thông 2 chiều tách biệt, có dải phân cách giữa nên phương tiện lưu thông tốc độ rất cao. Nguy cơ TNGT hiển hiện trước mắt.
Trả lời câu hỏi của PV, Báo Giao thông về việc tỉnh Nghệ An sẽ có biện pháp gì để phòng ngừa TNGT khi tuyến đường đưa vào khai thác, ông Nguyễn Quế Sự, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Phải thừa nhận đường Vinh – Cửa Lò có nhiều nút giao to nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế Sở GTVT đã tính đến phương án đảm bảo ATGT đường Vinh - Cửa Lò. Từ biển báo hiệu ra vào nút giao, gờ giảm tốc, biển chỉ dẫn, vạch sơn... đều đã được tính toán và có trong hồ sơ thiết kế.
Dự án triển khai thi công từ lâu, đến nay cơ bản thông tuyến, thông xe vệt 7m theo chỉ đạo của UBND tỉnh, còn việc hoàn thiện các hạng mục: đường ngang, biển báo, đèn tín hiệu... thì vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
“Sau khi thông xe tạm, tỉnh cũng đã giao Sở GTVT phối hợp với UBND TP Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò và Công an tỉnh thành lập đoàn đi kiểm tra hiện trường rà soát lại toàn tuyến để khi đường đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo an toàn nhất. Qua đó, đoàn cũng thấy rằng có những biến động cần vi chỉnh, có nút giao cần bổ sung thiết kế... Hiện nay Sở đã tập hợp báo cáo UBND tỉnh để cho đầu tư. Dự kiến chậm nhất quý IV/2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Sự cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận