Việc đặt tên điểm ra vào đường cao tốc thống nhất, dễ nhớ và nhắc lại thường xuyêngiúp lái xe không bị đi lỡ, dẫn đến việc quay đầu mất an toàn - Ảnh: Khánh Linh |
Ngày 28/12, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề: “Văn hóa giao thông - trách nhiệm thuộc về ai?”. Tại hội thảo này, nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa giao thông, trong đó có văn hóa khi tham gia giao thông trên đường cao tốc được các chuyên gia, nhà quản lý mổ xẻ.
Văn hóa giao thông còn xa vời?
Đề cập đến nền tảng của văn hóa giao thông ở Việt Nam, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đầu tiên được ban hành năm 2001 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2002 (sau đó được thay thế bằng Luật GTĐB 2008). “Tuy nhiên, điều làm tôi canh cánh trong lòng là vì sao suốt thời gian dài như vậy, văn hóa giao thông ở cả nông thôn và thành thị nước ta vẫn là một điều khá xa vời. Không ít người khi tham gia giao thông rất thiếu ý thức tự giác. Họ chỉ chấp hành pháp luật khi có mặt CSGT”.
“Nếu không có các lực lượng này sẽ lập tức xảy ra hiện tượng chen lấn, luồn lách, vi phạm một cách vô tư, dù là người đi bộ hay người điều khiển các loại phương tiện giao thông. Có thể nói, bây giờ, cứ ra đường là bắt gặp vi phạm pháp luật giao thông”, ông Sơn chia sẻ.
"Chúng ta hay nhìn nhận văn hóa giao thông ở khía cạnh phi vật chất hay chỉ nhìn đến hành vi cụ thể của người tham gia giao thông trên đường mà ít để tâm đến yếu tố vật chất, những điều kiện cơ bản hình thành văn hóa giao thông như: Môi trường tham gia giao thông, hệ thống quy định pháp luật, các giải pháp, nỗ lực, hành động nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa giao thông. Khi chúng ta có những quy định của pháp luật thì đây là chuẩn về văn hóa mà xã hội tiến tới. Sau đó, chúng ta tạo ra môi trường vật chất để người tham gia giao thông thực hành những chuẩn mực đó và phải nỗ lực bảo vệ chuẩn mực đó để những hành vi vi phạm, lệch chuẩn phải được cưỡng chế, xử lý”. Ông Khuất Việt Hùng |
Đưa ra ý kiến cho rằng, văn hóa giao thông gồm hai khía cạnh là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Văn hóa giao thông thuộc trách nhiệm của cơ quan công quyền, bởi bộ máy công quyền tạo ra pháp luật, quy hoạch, còn người dân có nghĩ ra được ý hay, ý đẹp nhưng có tiền đâu mà thực hiện, rõ ràng việc triển khai phải là người có trách nhiệm”.
Không đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói ngay: “Văn hóa giao thông trước hết phải thuộc về trách nhiệm của người tham gia giao thông, bởi nó liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông hiểu được các quy định của pháp luật về giao thông thì mới thể hiện được hành vi của mình và hành vi đó liên quan đến văn hóa giao thông. Còn những cái tạo nên môi trường để người tham gia giao thông nhận thức và nâng cao trách nhiệm đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở hạ tầng”.
Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng: “Văn hóa giao thông thuộc trách nhiệm của tất cả mọi người, từ các cơ quan công quyền đến cơ quan truyền thông và người dân. Mỗi người hãy vào đúng vai của mình, làm đúng trách nhiệm của mình thì sẽ có văn hóa giao thông”.
Chia sẻ giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông, TS. Lê Hồng Sơn cho biết, hệ thống thể chế, pháp luật của Nhà nước về trật tự ATGT hiện đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. “Đồng thời, cần phải nhanh chóng huy động các nguồn lực trong xã hội để sớm khắc phục tình trạng yếu kém, lạc hậu của hệ thống hạ tầng giao thông và tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngay trong các lực lượng chức năng có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm giao thông”, ông Sơn nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp về lĩnh vực GTVT, có liên quan đến ATGT sẽ có trách nhiệm cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đồng thời, trong vấn đề chiến lược quy hoạch của ngành GTVT cũng phải tính toán và cập nhật lại cho phù hợp.
Xem thêm video:
Hình thành thói quen lưu thông trên cao tốc
Liên quan đến văn hóa giao thông trên đường cao tốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn OtoFun cho rằng, đối với người Việt Nam, cao tốc là phạm trù rất mới, cho nên người tham gia giao thông đang sử dụng các chuẩn mực ở đường bình thường để lưu thông trên đường cao tốc như tình trạng đi lấn làn, vượt xe, dừng đỗ tùy tiện trên đường cao tốc, bắt khách, đi xe đạp, đi bộ, bán nước mui trên đường cao tốc, khiến nguy cơ xảy ra TNGT cao.
Theo ông Thắng, để lưu thông được tốc độ cao trên đường cao tốc, phải có những chuẩn mực đặc biệt. Biển báo phải trực quan rõ ràng, thống nhất giúp lái xe nhận diện được từ xa và phải được nhắc lại thường xuyên. Điển hình như việc đặt tên điểm ra vào đường cao tốc cần thống nhất, để lái xe có thể nhớ điểm ra khỏi đường cao tốc, tránh trường hợp đi vượt qua, rồi lại phải lùi xe, quay đầu trên đường cao tốc, rất nguy hiểm. Gần đây đã có vụ tai nạn thảm khốc trên đường Hà Nội - Thái Nguyên chỉ vì xe đi quá điểm ra nên lùi xe lại bị xe lưu thông phía sau đâm vào.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, để nâng cao văn hóa giao thông trên đường cao tốc, cần đẩy mạnh tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cần sát hành vi, quy tắc giao thông cụ thể, tránh tuyên truyền theo khẩu hiệu và phải đưa vào thành nội dung giảng dạy tại các cơ sở đào tạo lái xe. “Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xử lý, những người lần đầu có thể giải thích vận động. Những đối tượng tái phạm thì phải xử lý thật nặng, ngoài mức xử phạt theo Nghị định 46, người tái phạm có thể nhân thêm mức xử phạt, hoặc bắt người tái phạm mua bảo hiểm giá cao”, ông Tuấn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận