Sau 10 năm thực hiện Chiến lược ATGT đường bộ Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Báo Giao thông giới thiệu loạt bài viết của TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia liên quan vấn đề này.
Kỳ 1: Hạ tầng cải thiện, giao thông an toàn hơn
Hạ tầng, con người và phương tiện tham gia giao thông an toàn hơn là những yếu tố giúp số người chết vì TNGT giảm từ trên 11.000 người năm 2011 xuống còn hơn 8.000 người năm 2018.
Phương tiện tăng, số người chết vì TNGT giảm
Năm 2008, Luật GTĐB được ban hành thể hiện cam kết của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao ATGT đường bộ. Đến năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP nhằm tăng cường các hành động, chương trình giảm thiểu ùn tắc và nâng cao ATGT đường bộ. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1586/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chiến lược 2020). Chiến lược bao gồm các giải pháp, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng, người tham gia giao thông, phương tiện an toàn hơn, ứng phó sau TNGT nhanh hơn và quản lý ATGT tốt hơn.
Từ hạ tầng an toàn đã giúp người tham gia giao thông an toàn hơn. Nhìn lại về cơ sở hạ tầng, đến cuối năm 2018, chiều dài đường bộ tăng thêm gần 388.000km. Trong đó, chiều dài quốc lộ tăng thêm gần 7.000km so với năm 2011. Hệ thống đường bộ cao tốc hiện có 16 tuyến với tổng chiều dài gần 1.000km, tăng gần 900km (gấp gần 11 lần) so với năm 2011.
Việc thực hiện Nghị quyết 88 và triển khai Chiến lược 2020 góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do TNGT trên đường, từ gần 11.400 người năm 2011 xuống còn trên 8.000 người năm 2018. Sau 10 năm thực hiện, TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí, với số vụ TNGT giảm trên 8%/năm, số người chết giảm 3,4%/năm và số người bị thương giảm trên 12%/năm. Tuy nhiên, mục tiêu giảm 5 - 10% hàng năm số người chết do TNGT đường bộ vẫn chưa đạt được. Đây là thách thức đối với nước ta trong việc tiếp tục kéo giảm số ca bị chết, trong điều kiện giao thông có nhiều xe máy, dễ bị tổn thương khi có va chạm xảy ra và ý thức chấp hành các quy định ATGT của người tham gia giao thông vẫn chưa cao.
Tiếp đó, phương tiện tham gia giao thông đã an toàn hơn bằng việc kiểm soát qua thiết bị giám sát hành trình. Chúng ta đã hoàn thành lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình trên các loại phương tiện đã giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần quan trọng bảo đảm ATGT. Tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km đường bộ giảm mạnh từ trên 11 lần/1.000km (năm 2015) xuống còn 0,19 lần/1.000km (năm 2018), trong khi số lượng phương tiện tăng gấp 5 lần so với thời điểm năm 2015. Việc thực hiện các quy định này góp phần quan trọng trong công tác giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo ATGT. Tỷ lệ tử vong do TNGT đường bộ/100.000 giấy phép lái xe (GPLX) tiếp tục giảm sâu trong giai đoạn 2012 - 2019. Vào năm 2011, tỷ lệ này là 56 người/100.000 GPLX, tới năm 2019 chỉ còn 15 người/100.000 GPLX, giảm tới gần 75% trong vòng 8 năm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặt khác, TNGT đường bộ là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, gây thiệt hại lớn về con người và kinh tế. Kéo giảm thương vong do TNGT được Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs 2030). Do đó, để đảm bảo việc so sánh kết quả thực hiện mục tiêu giảm TNGT giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên hợp quốc thì cần phải có phương pháp thống kê TNGT phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Báo cáo toàn cầu về TNGT của Tổ chức Y tế thế giới, số người chết do TNGT ở Việt Nam năm 2018 là 26,4 người/100.000 dân. Trong khối ASEAN, tỷ lệ của Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan (31,6), cao gấp hai lần Indonesia và Philippines gấp 9 - 10 lần của Singapore. Trong khi đó, báo cáo chính thức do Bộ Công an thống kê là 8,9 người chết/100.000 dân. Bất cập ở đây không nằm ở tính chính xác của con số thống kê, nhưng rõ ràng có sự khác biệt về phương pháp thống kê TNGT của Việt Nam so với thông lệ quốc tế.
Như vậy, bên cạnh những nội dung mới, đột phá, đồng thời phải tránh không để lặp lại những bất cập nêu trên trong Chiến lược ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.
Phải thừa nhận, Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020 còn tồn tại những bất cập, đặc biệt là vấn đề mục tiêu đan xen giải pháp, có nhiều giải pháp không hình thành đầu mục công việc rõ ràng, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, chưa làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm về ATGT và đặc biệt là không có chỉ tiêu cụ thể để theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chiến lược ở cấp quốc gia, bộ, ngành và địa phương. Nhiều nội dung trong Chiến lược chưa được hỗ trợ bởi các quy định trong Luật GTĐB (2008). Đây là những bất cập cần được sửa đổi bổ sung trong chiến lược mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận