Chưa thể xử lý triệt để
Giữa tháng 5/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ thị về việc nghiêm cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng lưu thông trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Sở GTVT Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thành phố ra quân xử lý. Theo đó, từ tháng 6 tới tháng 11/2019, phát hiện 87 trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Lâm Đồng, việc xử lý triệt để không hề đơn giản. Nguyên nhân cốt lõi là các loại máy kéo nông, lâm nghiệp từ lâu đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân về sản xuất, vận chuyển nông sản nhờ tính năng cơ động và chi phí đầu tư thấp.
Anh K’Biên, chủ một xe công nông ở xã Đình Lạc, huyện Di Linh cho biết: “Gia đình tôi mua xe công nông đã nhiều năm nay để chở lao động, phân bón lên rẫy và chở cà phê, sắn, đậu... về nhà. Từ nhà đến rẫy phải đi theo tuyến QL20, tôi cũng sợ gây tai nạn lắm, vì xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật, nhưng không sử dụng thì biết sử dụng xe gì đi rẫy bây giờ”. Theo K’Biên thì ngoài đi rẫy, anh vẫn sử dụng xe công nông chở nông sản ra chợ bán rồi mua gạo, mắm, muối và các đồ dùng trong nhà, dù chưa có GPLX.
Dù thừa nhận việc sử dụng xe công nông, xe tự chế rất thuận tiện cho người nông dân trong sản xuất, vận chuyển nông sản, xong nhiều người dân cũng tỏ ra khá lo lắng trước việc các phương tiện này vẫn lưu thông ra đường hàng ngày. Ông Bùi Quang Thắng, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc cho hay: “Nhiều xe đã cũ nát, không còn bảo đảm an toàn kỹ thuật, người điều khiển xe lại không có GPLX, không nắm được Luật GTĐB.... Mỗi lần ra đường gặp phương tiện này, chúng tôi thấy rất bất an”.
Gắn trách nhiệm lãnh đạo
Để xóa sạch tình trạng công nông, xe tự chế hoạt động trái phép trong năm 2020, Sở GTVT Lâm Đồng đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hàng loạt biện pháp quyết liệt. Theo đó, Chủ tịch tỉnh đã trực tiếp giao trách nhiệm cho trưởng công an cấp huyện, Đội trưởng Đội CSGT phụ trách địa bàn trong việc chỉ đạo xử lý dứt điểm các loại phương tiện này, địa bàn nào còn để các loại phương tiện này hoạt động thì trưởng công an cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an tỉnh.
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cũng được gắn trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hủy bỏ các phương tiện này. Địa phương nào để xe công nông, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe hết niên hạn sử dụng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT Lâm Đồng cho biết, liên quan tới các vướng mắc, khó khăn trong triển khai chỉ thị của UBND tỉnh, mới đây Sở đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an tái hướng dẫn cụ thể về kiểu loại và các trang thiết bị đảm bảo ATGT đối với các loại xe phục vụ canh tác nông, lâm nghiệp được kéo rơ-moóc vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông. Trong đó cần xác định rõ công suất tối đa của máy kéo nhỏ, đồng thời phân cấp cho Sở GTVT được thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý chất lượng đối với việc sản xuất, lắp ráp rơ moóc có trọng tải dưới 1 tấn, cho phép địa phương tổ chức sát hạch cấp GPLX hạng A4 trên sân thực hành theo phương pháp thủ công (không sử dụng thiết bị chấm điểm tự động).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận