Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng (ngồi giữa) tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/3 với chủ đề “Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông” |
Say xỉn lái xe là uy hiếp tính mạng người khác
Thưa ông, kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu bằng lái xe, tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô say xỉn của Ủy ban ATGT Quốc gia hai ngày qua đã gây xôn xao dư luận. Liệu việc này có xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người dân hay không, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý. Hiện nay, quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong hiến pháp rất rõ, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định có thể tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm những hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao. Đó cũng được xem là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền triển khai vấn đề tịch thu phương tiện như thế nào.
Xưa nay, chúng ta vẫn quan niệm chỉ có thể tịch thu phương tiện khi đó là phương tiện gây án. Vậy tịch thu xe khi người điều khiển say xỉn có đúng pháp luật?
Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định chế tài này rồi, nên không nhất thiết cứ phải gây án mới tịch thu phương tiện.
Bạn có thể hình dung, lái xe say rượu như kẻ cầm dao chém loạn xạ trên phố. Có nguy hiểm không? Theo tôi, là quá nguy hiểm, hành vi ấy có thể gây tai nạn không chỉ chết một vài mạng người.
Về mặt thẩm quyền, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN hay Chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện gây ra hành vi uy hiếp an toàn xã hội đến mức chúng ta quy định phải tịch thu phương tiện.
Nếu thấy nặng, chúng tôi mong rằng không ai vi phạm nữa
Khi đề xuất kiến nghị này, Ủy ban ATGT Quốc gia có lường trước những phản ứng của dư luận và khó khăn trong quá trình thực thi?
Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi phải cân nhắc chính là phản ứng của xã hội, liệu rằng mức xử phạt này có nặng quá hay không. Trên trang facebook của tôi mấy ngày hôm nay rất nóng, có rất nhiều ý kiến nhưng có tới 99% số người bình luận ủng hộ tăng mức xử phạt với vi phạm giao thông mà đặc biệt là hành vi say rượu lái xe.
Khi tôi trao đổi với các đồng nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc, họ nói nếu chúng ta đưa ra chế tài đủ mạnh thì số hành vi vi phạm sẽ giảm đi. Họ nói, ở nước họ những hành vi đó có thể bị phạt tù, tưởng rằng là rất nặng, tước quyền tự do thân thể của một cá nhân đến mấy năm, nhưng thực chất ở đây là bảo vệ sự tồn tại của người đó, bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản cho xã hội.
Chúng tôi cũng lường trước có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng quan điểm của chúng tôi là nếu mức phạt nặng, mong rằng số người vi phạm sẽ giảm rõ rệt, sẽ có nhiều người không phải mất đi sinh mạng vì những kẻ vô trách nhiệm khác.
Có ý kiến băn khoăn mức phạt trên là quá cứng nhắc, nhất là khi xe không chính chủ thì sẽ xử lý thế nào? Ô tô là tài sản lớn, nếu chỉ vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả mà tịch thu phương tiện thì có quá nặng không? Đặc biệt, nếu phương tiện không thuộc quyền sở hữu của người lái xe thì phải chăng đang có tình trạng “quýt làm cam chịu”?
Ở Nhật, người ta còn phạt luôn cả người cho mượn xe. Ở đây, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với hành vi của mình.
Còn tại sao lần đầu tiên vi phạm đã phạt nặng? Xin hỏi, với tai nạn, có thể có lần thứ hai để sửa sai không? Chúng ta vẫn nói rằng 75% TNGT là do có yếu tố con người, do ý thức, khi say xỉn thì không thể kiểm soát hành vi của mình nữa. Đó là lý do vì sao ở quốc gia càng phát triển thì người ta càng coi đây là mối nguy hại cho xã hội, càng đưa ra chế tài nặng.
Cảm ơn ông!
Say rượu lái xe bị phạt tù Ở Mỹ, nếu bị phát hiện lái xe trong tình trạng say rượu sẽ bị cảnh sát bắt về đồn ngay lập tức, cho đến khi tan hơi men. Sau đó, lái xe vi phạm sẽ phải ra tòa, tùy theo tình trạng khi đó có thể bị phạt tù từ vài ngày cho đến vài tháng. Người vi phạm phải đi học các lớp về luật giao thông, quy định lái xe không uống rượu, lao động công ích… rồi mới được phép cầm lái trở lại. Tại Singapore, vi phạm lần đầu sẽ bị phát từ 1 - 5 nghìn USD; hoặc ngồi tù 6 tháng; Lần 2 phải nộp phạt từ 3-10 nghìn USD và bị phạt tù một năm; Lần 3 tăng gấp ba các hình phạt của lần 2, cụ thể: Nộp phạt lên đến 30 nghìn USD, phạt tù 3 năm. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị cấm lái xe ít nhất một năm, kể cả không xảy ra tai nạn. Nhật Bản cũng cấm hoàn toàn việc uống rượu lái xe. Nếu vi phạm sẽ bị thu bằng lái, phạt tù từ 3 - 5 năm. Khi cảnh sát gửi thông báo về công ty thì người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc. Ở Anh, say rượu lái xe được coi nguy hiểm ngang với tội giết người. Q.M |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận