Chiều 30/8, Đội CSGT đường bộ cao tốc số 4 (Đội 4, Phòng 6, Cục CSGT) và Khu Quản lý đường bộ II đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ trên tuyến cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu - Bãi Vọt.
Theo đó, cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 129km, được đưa vào khai thác lần lượt từ tháng 9/2023 cho tới tháng 6/2024.
Đây là 3 đoạn tuyến thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, qua địa phận 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Điểm đầu của cao tốc là tại nút giao Đồng Thắng, (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) điểm cuối giao với quốc lộ 8 tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Hiện nay, đường đã được khai thác với 4 làn xe (có điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4-5km/điểm), nền đường rộng 17m, vận tốc tối đa 90km/h, vận tốc tối thiểu 60km/h (giai đoạn 2, đường sẽ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h).
Đánh giá về thực trạng giao thông trên tuyến, thiếu tá Đỗ Hoàng Song - cán bộ Đội 4, cho biết: Với những ưu thế về vị trí, kết cấu hạ tầng đường cao tốc, hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến tương đối sôi động, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cùng hoạt động khai thác vận tải hoạt động trên tuyến, qua tuyến. Theo thống kê sơ bộ, hiện trên tuyến có trên 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa thường xuyên hoạt động.
Đa số hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến là chở khách, hàng hóa từ các tỉnh, thành về trung tâm TP Hà Nội hoặc các tỉnh giáp ranh và ngược lại để đi làm ăn, du lịch, vui chơi; số ít là phương tiện hoạt động kinh doanh hợp đồng đi du lịch theo chuyến hoặc vận tải hợp đồng chở cán bộ, công nhân viên.
“Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Đội 4 đã phát hiện và lập biên bản 576 trường hợp xe kinh doanh vận tải vi phạm hành chính (chiếm 29% tổng số vi phạm), trong đó: 90 trường hợp vi phạm quy định về tốc độ; 40 trường hợp vi phạm quy định về chuyển làn đường khi chạy trên cao tốc; 383 trường hợp vi phạm quy định về đi vào đường cấm; 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2 trường hợp vi phạm về ma tuý; 1 trường hợp chở quá số người quy định. Những vi phạm này được xác định là những nguyên nhân chính, nguy cơ cao dẫn đến TNGT đối với phương tiện kinh doanh vận tải”, thiếu tá Song chia sẻ.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên tuyến cao tốc này đã xảy nhiều vụ va quệt giao thông. Riêng tai nạn giao thông đã có 3 vụ TNGT được Đội 4 điều tra giải quyết. Cả 3 vụ đều liên quan đến phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách. Trong đó, có một vụ phải khởi tố, do lái xe đầu kéo lùi xe trên đường cao tốc gây ra tai nạn.
Qua điều tra giải quyết các vụ tai nạn, Đội 4 chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn tập trung ở hành vi: Không chú ý quan sát; Không giữ khoảng cách an toàn; Đi không đúng làn đường quy định; Vi phạm tốc độ; Tránh vượt không đúng quy định; Dừng đỗ không đúng nơi quy định.
Trung tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ cao tốc số 4 cho biết: "Qua các đợt tuyên truyền, tính đến nay đơn vị đã vận động ký cam kết 35 doanh nghiệp vận tải hành khách với hơn 250 phương tiện, 17 doanh nghiệp vận tải hàng hóa và 175 lái xe".
Thượng tá Ngô Sỹ Tuấn Anh - Phó trưởng phòng 6, Cục CSGT cho biết: Cao tốc là tốc độ rất cao. Khi tai nạn xảy ra, nguy cơ gây ra thiệt hại là vô cùng lớn. Thời gian qua trên các tuyến cao tốc cũng đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa tai nạn là hết sức quan trọng. Và để phòng ngừa trước hết chúng ta phải nắm rõ và chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Mong muốn của chúng tôi là cùng đồng hành với các doanh nghiệp, các lái xe và người dân khi tham gia giao thông trên cao tốc, để làm sao đảm bảo an toàn, đảm bảo tính mạng tài sản người dân khi đi trên đường cao tốc, an toàn để doanh nghiệp phát triển.
Thượng tá Tuấn Anh cũng chỉ ra các yếu tố quyết định đến an toàn khi tham gia giao thông đó là hạ tầng, chất lượng phương tiện và cuối cùng là người lái. Khi cả 3 yếu tố này đảm bảo thì chắc chắn tai nạn sẽ không có cơ hội xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho rằng: Giai đoạn đầu cao tốc mới đưa vào khai thác, các lực lượng phải tăng cường tuyên truyền tới người tham gia giao thông, người dân địa phương.
Công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông, mà còn phải kêu gọi người dân cùng giữ gìn công trình hạ tầng như: Hàng rào, hệ thống chiếu sáng, không đốt rơm rạ gần cao tốc, không ném đá, chăn thả gia súc…
Cùng đó, các đơn vị vận hành, được giao quản lý tuyến phải tăng cường trực gác tại các nút giao, tăng cường tuần đường kịp thời phát hiện khi xảy ra sự cố để các lực lượng phối hợp xử lý từ sớm.
Tại hội nghị, các báo cáo viên cũng chia sẻ kinh nghiệm khi đi trên cao tốc vào ban đêm, những ngày trời mưa, sương mù; cách xử lý tình huống khi xe gặp sự cố, tai nạn trên cao tốc. Về phía các doanh nghiệp, tất cả đều đồng tình việc phải chấp hành nghiêm các quy định, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm hoàn thành các trạm dừng nghỉ, mở rộng làn dừng xe khẩn cấp để xe khách, xe tải trọng lớn dừng đỗ an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận