Đại diện Ban ATGT tỉnh Gia Lai thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân vụ TNGT đêm mùng 3 Tết tại huyện Chư Pưh
Nhiều trường hợp thanh thiếu niên đồng bào thiểu số ở Gia Lai không có GPLX, không đội MBH, vi phạm nồng độ cồn... gây ra những vụ TNGT thương tâm, rước họa cho mình và những người khác.
Tai nạn đau xót, không ai đội mũ bảo hiểm
Đêm mùng 3 Tết Tân Sửu (ngày 14/2), vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn thôn Plei Dư, xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) khiến người dân không khỏi giật mình.
Theo đó, 21h20 ngày 14/2, hai chiếc xe máy đi ngược chiều nhau trên đường Hồ Chí Minh đã đâm trực diện. Hậu quả 4 người tử vong tại chỗ, 1 người bị đa chấn thương nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Sau hơn chục ngày xảy ra tai nạn, người dân nơi đây vẫn không khỏi bàng hoàng vì hậu quả quá lớn. Càng đau xót hơn khi tất cả các nạn nhân mới chỉ từ 15 - 20 tuổi.
Nạn nhân duy nhất còn sống sinh năm 2006 vẫn chưa thể tỉnh táo. Đặc biệt, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, người điều khiển và người ngồi trên 2 chiếc xe đều đã vi phạm hàng loạt quy định của Luật GTĐB.
Đại diện Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: 2 người điều khiển phương tiện đã tử vong là Ksor Khúc (SN 2002, trú tại Plei Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) và Rmah Chưng (SN 2001, trú thôn Plei Dư, xã Ia H’rú, huyện Chư Pưh) có nồng độ cồn vượt hơn 70% so với quy định và không có GPLX, không đội MBH.
Các nạn nhân còn lại cũng không có ai có GPLX, không đội MBH, đặc biệt đều có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng. Hai xe máy đâm đối đầu lúc cả hai phương tiện đang đi với tốc độ rất cao.
Cũng theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, đây chỉ là 1 trong nhiều vụ TNGT liên quan đến đồng bào thiểu số xảy ra trong thời qua và Chư Pưh là một trong những huyện ở Gia Lai liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người trẻ.
Tuyên truyền chưa hiệu quả
Công an các địa phương cần tăng cường tuần tra kiểm soát tuyến quốc lộ, tuyến đường giao thông nông thôn, bởi nơi đây thường xuất phát các điểm tụ tập, ăn nhậu trước khi tham gia giao thông. Đối với vụ TNGT có yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng khác.
Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó Ban ATGT tỉnh Gia Lai
Thượng tá Phan Văn Mạnh, Trưởng Công an huyện Chư Pưh, cho biết lực lượng Công an huyện cũng thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, liên tục kiểm tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, thế nhưng TNGT vẫn xảy ra.
Theo Thượng tá Mạnh, trước đây huyện thống kê có 117 thanh thiếu niên cá biệt, tuy nhiên đến nay nhiều trường hợp được tuyên truyền và đã tu chí làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình, không tham gia đua xe, chạy xe lạng lách đánh võng. Nay vẫn còn 93 thanh thiếu niên càn quấy “lọt” danh sách theo dõi của công an.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở, tham mưu Ban ATGT huyện quản lý số đối tượng thanh thiếu niên càn quấy; đề nghị các gia đình, hệ thống chính trị thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tuyên truyền, lên án các hành vi vi phạm ATGT. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát giao thông tại các đường liên xã, liên thôn nhằm khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Thượng tá Mạnh cho hay.
Theo Đại tá Lê Văn Hà, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, qua theo dõi kết quả phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT những ngày qua, có thể nói Công an huyện Chư Pưh chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Do vậy, theo Phó giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Chư Pưh cần chủ động tham mưu có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm các chỉ tiêu về TNGT trong năm 2021.
“Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: Điều khiển phương tiện không có GPLX, uống rượu bia, không đội MBH, lạng lách đánh võng, chạy với tốc độ cao gây mất ANTT địa phương và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, Đại tá Hà đề nghị.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Phó Ban ATGT tỉnh cho biết, đến cuối năm 2020, tình hình TNGT trong thanh thiếu niên đồng bào thiểu số đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, Ban ATGT tỉnh xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, người có uy tín nhằm giáo dục con em chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.
Đặc biệt chú trọng tuyên truyền giáo dục các trường hợp cá biệt, nhất là các đối tượng không chấp hành, có biểu hiện càn quấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận