Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ sớm đề xuất tiêu chuẩn hóa mô hình vận tảikhách du lịch bằng đường thủy để nâng cao an toàn cho hành khách |
Tình trạng lỏng lẻo trong quản lý hoạt động du lịch bằng phương tiện thủy thực sự gióng lên hồi chuông báo động. Nếu không cụ thể hóa trách nhiệm, siết chặt quản lý, sẽ khó tránh được những vụ tai nạn đường thủy thương tâm tương tự như với vụ tàu Thảo Vân 2 mới đây.
Chưa có dữ liệu toàn quốc về tàu, thuyền du lịch
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, cho đến nay, các ngành chức năng chưa có dữ liệu toàn quốc về phương tiện, cảng bến, loại hình hay đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch đường thủy. Đây chính là lý do chưa có một đánh giá tổng thể và đưa ra giải pháp toàn diện quản lý vấn đề này.
"Để chấn chỉnh vi phạm, cũng cần tăng cường xử lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh, chủ phương tiện du lịch. Nhiều chủ tàu giao toàn quyền cho thuyền trưởng, các thuyền viên, nhưng khi xảy ra sự cố như chìm, đắm mà chưa gây thiệt hại về người thì không bị xử lý. Trong những trường hợp này mới dừng tàu, phạt chủ tàu; Còn các thuyền viên, thuyền trưởng lại xin sang làm cho các tàu khác." Ông Trịnh Đăng Thanh |
Liên quan đến phương tiện, theo Cục Đăng kiểm VN, lý do không có dữ liệu về phương tiện thủy du lịch từ trước đến nay do không có khái niệm riêng về phương tiện chở khách du lịch. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, kiểm định phương tiện thủy được xét duyệt từng chiếc từ khâu đóng mới và đưa ra yêu cầu cụ thể theo công năng sử dụng của từng phương tiện như: Tiêu chuẩn của tàu cho phép đi lại trên boong khác với tàu chỉ có chỗ ngồi ổn định…
“Vấn đề quan trọng là phải quản lý được khâu khai thác, vận hành, như tàu chở đúng trọng tải không, có đảm bảo đầy đủ phao cứu sinh không? Tuy nhiên, với yêu cầu quản lý, Cục Đăng kiểm VN sẽ đánh giá lại tổng thể để xem có nên đề xuất tăng hệ số an toàn tối thiểu đối với tàu có công năng chở khách du lịch hay không”, ông Hình nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho rằng, để ngăn ngừa tai nạn đối với tàu du lịch, giải pháp quan trọng nhất là địa phương phải siết chặt cả quản lý, khai thác và vận hành cơ sở hạ tầng, bến bãi, người lái, phương tiện.
“Quản lý khai thác, vận hành được giao cho địa phương, nhưng hầu như vẫn buông lỏng. Như vụ tai nạn xảy ra ở Đà Nẵng vừa rồi, tàu không đủ điều kiện vẫn để hoạt động, khi xuất bến không ai kiểm tra, như thế là buông lỏng”, ông Thạch nói.
Ngoài ra, ông Thạch cũng cho rằng cần xem xét lại các điều kiện khác như: Đào tạo, sát hạch thuyền viên, công khai các thông tin cảng, bến được khai thác du lịch để du khách biết và xây dựng tiêu chuẩn về quy trình hướng dẫn khách du lịch sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu đắm, thoát hiểm.
Nâng cao vai trò chính quyền địa phương
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT và ngành chức năng một số địa phương như: Tiền Giang, Cần Thơ, Huế… đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải du lịch bằng phương tiện thủy. Theo ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Đường thủy nội địa VN), hành lang pháp lý trong quản lý phương tiện thủy chở khách nói chung và phục vụ du lịch nói riêng đến nay khá đầy đủ, có điều chưa được quan tâm chỉ đạo của chính quyền, ngành chức năng địa phương trong triển khai thực tế. “Điều này dẫn đến tình trạng phương tiện hoạt động du lịch chui, không đủ điều kiện tối thiểu nhưng vẫn tham gia chở khách. Không chỉ phương tiện thủy, ngay cả tàu đánh cá cũng vẫn lén lút chở khách du lịch trên các tuyến du lịch ven biển, cửa biển… Thực tế trên cũng xuất phát từ sự thiếu thông tin, hiểu biết của du khách và trên hết là sự chủ quan của chính quyền, lực lượng chức năng đối với ATGT đường thủy”, ông Duy nói.
Còn ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đường dây nóng của Cục được phổ biến rộng rãi, công khai nhưng ít khi nhận được thông tin phản ánh của du khách, người dân. “Quy định pháp luật dù có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu, nhưng lực lượng thực thi công vụ không nghiêm túc thực hiện, du khách không nâng cao ý thức tự giác, việc triển khai không thể hiệu quả được”, ông Giang nói và cho biết, giải pháp trước mắt là tăng cường chỉ đạo các lực lượng trong ngành kiểm tra, xử lý vi phạm; Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm TTATGT đường thủy.
Theo ông Giang, về lâu dài, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ đề xuất để tiêu chuẩn hóa mô hình vận tải khách du lịch bằng đường thủy, trong đó áp dụng kinh nghiệm hay từ việc quản lý hoạt động tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho rằng, do hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy chủ yếu nằm trọn trong phạm vi một địa phương nên quy định quản lý đã được phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương. Địa phương cần thể hiện vai trò trách nhiệm quản lý của mình và nên khuyến khích việc quy định tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện, chất lượng dịch vụ du lịch phù hợp với thực tế như tỉnh Quảng Ninh đang làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận