Thưa ông, ông có thể đánh giá khái quát về tình hình TTATGT thời gian qua trên địa bàn tỉnh?
Ông Phan Mười: Từ đầu năm đến nay, mặc dù ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 69 người chết, 68 người bị thương; hư hỏng 28 ô tô, 80 mô tô -xe gắn máy, ước tính thiệt hại khoảng 782 triệu đồng. Các địa phương TNGT diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 là Đắk Tô, Ngọc Hồi, Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai.
Cũng trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng thông qua công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT; các lực lượng chức năng đã phát hiện 17.923 trường hợp vi phạm (chủ yếu là lỗi không đội mũ bảo hiểm; không có GPLX; chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ; vi phạm quy định về tốc độ; vi phạm quy định về nồng độ cồn…), tạm giữ 7.547 phương tiện, 9.606 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 15.369 trường hợp với số tiền 24 tỷ đồng.
Vậy, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên?
Ông Phan Mười: Qua điều tra thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông chưa cao, thường xuyên vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan hoặc do việc vi phạm các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông. Trong đó, có một số lỗi vi phạm thường là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như: Điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không quan sát.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên hơn nhưng vẫn còn nặng về hình thức, chưa đi vào trọng tâm nên đạt hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT được tăng cường, triển khai nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, vẫn còn nhiều địa bàn, tuyến đường giao thông nông thôn chưa được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
Để kiềm chế TNGT, thời gian tới, Ban ATGT có những chỉ đạo, biện pháp nào, thưa ông ?
Ông Phan Mười: Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", để thực hiện được mục tiêu kéo giảm TNGT những tháng cuối năm 2023, thời gian qua Ban ATGT tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong quý IV năm 2023.
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác bảo đảm TTATGT; ban hành các quy định về cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu không uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa các ngày làm việc; vận động mọi người thực hiện "đã uống rượu, bia không lái xe".
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, kiềm chế TNGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT (vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ; đi sai phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…); tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, nhất là dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe mô tô-xe gắn máy độ chế không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT…
Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về hạ tầng, tổ chức giao thông, các "điểm đen" về tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ. Đặc biệt, chú trọng khai thác có hiệu quả hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt nhằm phát hiện vi phạm TTATGT tại các giao lộ, các tuyến, địa bàn trọng điểm để phục vụ công tác an ninh và xử lý phạt nguội; Tập trung xử lý nghiêm số thanh thiếu niên đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, điều khiển xe mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT tới xã, phường, thị trấn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để không còn những nỗi đau do TNGT thì mỗi người dân hãy hành động bằng việc chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận