Tái diễn TNGT do chằng buộc sơ sài
Khoảng 22h45 ngày 19/2, xe container BKS 15C-097.98 kéo theo rơ-moóc BKS 15R-066.33 chở bốn cuộn inox hình trụ, kích thước mỗi cuộn khoảng 1,5 x 1,5m; đi qua nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bất ngờ làm rơi ba cuộn inox xuống đường.
Sau đó, ba cuộn inox này đã va chạm với xe ô tô con do ông N.D.T điều khiển, đang dừng đèn đỏ trên đường Phạm Hùng hướng đi Khuất Duy Tiến.
Hậu quả, xe ô tô con hư hỏng phần đầu, may mắn không có thiệt hại về người.
Trước đó, khoảng 16h chiều 23/1, trên đường ĐT743A, phường Bình Thắng, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), xe đầu kéo chở theo ba cuộn thép nặng hàng chục tấn, lưu thông trên quốc lộ 1 hướng từ Đồng Nai đi TP.HCM.
Khi xe lưu thông đến cầu vượt ngã ba Tân Vạn, tài xế cho xe chạy dưới cầu để rẽ phải đã xảy ra va chạm với xe máy chạy phía trước đang rẽ trái.
Trong lúc phanh gấp, 3 cuộn thép trên xe rơi xuống đường, một trong ba cuộn thép đã đè bẹp xe máy do 2 nam sinh điều khiển. Rất may 2 nạn nhân đã nhảy ra ngoài kịp thời.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đa số các vụ TNGT trên xảy ra nguyên nhân là do đơn vị vận tải, lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện, việc xếp, chèn lót hàng trên xe chưa đảm bảo an toàn, dây sử dụng để chằng buộc không đủ lực để giữ cố định hàng hóa dẫn đến khi xảy ra sự cố hoặc xe phanh gấp làm đứt cáp khiến hàng hóa rơi xuống đường.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật cho biết, những cuộn thép rơi xuống đường trong quá trình được vận chuyển nếu va chạm với người tham gia giao thông sẽ để lại hậu quả rất lớn.
Để hạn chế tối đa tình trạng trên, lực lượng chức năng cần phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, phạt cả lái xe và chủ xe để nâng cao ý thức chủ xe, chủ hàng, tạo tính răn đe.
Hiện nay, tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn sẽ bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.
Còn hành vi chở container trên xe (kể cả sơ-mi rơ-moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn container với xe hoặc có sử dụng thiết bị nhưng container vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Tuy nhiên, theo luật sư Bình, mức phạt trên chưa đủ tính răn đe, cần phải tăng nặng, kết hợp xử lý nghiêm mới nâng cao ý thức của lái xe, chủ hàng.
Đồng quan điểm, TS Hiếu cho biết thêm, việc tăng mạnh hình thức xử phạt sẽ góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như người lái và đòi hỏi các chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm cao hơn trong đảm bảo an toàn vận tải hàng hóa hình cuộn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đã đến lúc xử lý xe chở hàng chằng buộc sơ sài cần quyết liệt như cách lực lượng CSGT phạt nặng lỗi vi phạm nồng độ cồn thời gian qua.
Cần thiết phải tăng nặng mức xử phạt như vi phạm nồng độ cồn để nâng cao nhận thức lái xe. Những vụ TNGT liên quan đến việc chằng buộc hàng hóa hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu lái xe, chủ hàng ý thức được mức độ nguy hiểm của việc chằng buộc sơ sài, có trách nhiệm trong đảm bảo an toàn chính chính mình và những người tham gia giao thông khác.
Lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 6 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các tổ công tác của Đội làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường cũng thường xuyên kiểm tra các phương tiện trên, bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm còn kết hợp tuyên truyền. Từ đó, giúp lái xe, chủ hàng nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của việc vận chuyển hàng hóa có sức nặng lớn mà không được ràng buộc chắc chắn.
Chằng buộc cuộn hàng thế nào để an toàn?
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư 41/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2013 quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.
Tại Thông tư này, Bộ GTVT đã quy định chi tiết, cụ thể quy định xếp hàng hóa trên phương tiện đối với từng loại hàng hóa, trong đó có hàng dạng trụ như cuộn thép, cuộn inox…
Theo các chuyên gia, việc quy định rõ cùng các hướng dẫn chi tiết về xếp hàng đối với loại hàng hoá này sẽ giúp lái xe, chủ hàng dễ dàng áp dụng, đảm bảo hàng hóa được chằng buộc cẩn thận, chắc chắn hơn.
Bên cạnh đó, còn giúp lực lượng chức năng dễ dàng đối chiếu thực tế việc chằng buộc hàng hóa của lái xe với quy định để xử lý vi phạm, góp phần hạn chế TNGT.
Cụ thể, Thông tư 41 quy định: Đối với hàng dạng trụ, phải xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài phương tiện tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng của phương tiện. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài phương tiện.
Hàng dạng trụ có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng đường kính thì phải được đặt thẳng đứng sao cho trục hàng dạng trụ vuông góc với mặt đáy thùng phương tiện hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, khi xếp loại hàng này phải được chằng buộc chắc chắn vào thành của phương tiện và phải sử dụng thùng hàng chuyên dụng hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ có các thiết bị chêm, đế chêm hoặc máng, thiết bị chèn, lót, chằng buộc, gia cố để cố định trên sàn thùng xe, đảm bảo chắc chắn, tránh dịch chuyển hàng hóa theo phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng trong quá trình vận chuyển.
Đối với hàng dạng trụ có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.
Với hàng hóa có khối lượng nặng, cần thiết sử dụng các dầm để phân bổ tải trọng đều trên mâm hàng, sàn xe hoặc sàn container.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận