Các địa phương kiến nghị được giữ lại 100% kinh phí xử phạt ATGT |
Công tác bảo đảm ATGT gặp khó vì thiếu kinh phí
Tại cuộc họp về phương án điều tiết nguồn xử phạt ATGT mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay khoản thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATGT có 70% được đưa về ngân sách T.Ư, 30% còn lại để ngân sách địa phương.
Vướng mắc nằm ở chỗ, 70% số tiền trên được chuyển về ngân sách T.Ư nhưng khi điều tiết quay trở lại phục vụ cho lực lượng bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương thường chậm và ít hơn so với khoản thu khi địa phương nộp về. Điều này khiến các tỉnh thiếu kinh phí bảo đảm trật tự ATGT so với những năm trước đây nên nhiều địa phương buộc phải giảm thời lượng tuần tra, kiểm soát vì kinh phí được cấp không đủ. Tình trạng này còn dẫn đến số thu từ xử phạt giảm.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tổng số tiền xử phạt toàn tỉnh năm 2013 là 272 tỷ đồng, nhưng đến nay Công an tỉnh mới được cấp 45 tỷ đồng. Với số tiền được cấp như hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% chi phí thường xuyên như: Chi xăng dầu tuần tra, bồi dưỡng lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát chứ chưa nói đến các hoạt động khác. Công an tỉnh vừa làm dự trù kinh phí năm 2014 là 246 tỷ đồng, nhưng không biết lấy đâu ra”.
“Việc thiếu tiền chi phí cho công tác TTKS đã khiến mật độ tuần tra giảm đi rất nhiều. Đây là một trong những lý do khiến TNGT tăng”, ông Vĩnh bày tỏ.
"Cần căn cứ vào thực tiễn để chi. Tiền bồi dưỡng anh em làm nhiệm vụ cần bao nhiêu, T.Ư hay địa phương cũng đều phải có khoản này. Xăng dầu dự trù bao nhiêu phải bảo đảm đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ cho tốt. Đặc biệt, cần quan tâm đến bồi dưỡng cho anh em làm thêm giờ, phải tăng lên không chỉ giữ ở mức 100 nghìn đồng như hiện nay”. Trung tướng Đỗ Đình Nghị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an |
Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Thành Tâm cũng đề xuất để lại toàn bộ kinh phí thu được từ xử phạt để địa phương tự điều tiết. “Địa phương có nhiều việc phải làm trong công tác TTKS, bảo đảm ATGT. Nhưng tiền phạt đưa lên T.Ư rồi điều tiết quay trở lại nhiều thủ tục phức tạp quá”, ông Tâm cho biết.
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM Nguyễn Ngọc Tường cũng cho biết, năm 2014, Công an thành phố đề nghị trang bị 249 chiếc ô tô để bổ sung cho các xe đã quá rệu rã, không đi được nhưng nay chỉ được bổ sung 10 chiếc vì không có tiền. Đấy là chưa kể những thiết bị khác cũng cần tăng cường như: Máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ còn rất thiếu.
“Số thu từ xử phạt năm 2013 của thành phố lên tới 400 tỷ đồng nhưng năm nay đến giờ mới chỉ được cấp 200 tỷ đồng. Điều này khiến lực lượng chức năng thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động đảm bảo ATGT, ông Tường nói.
Một bất cập nữa là trong số 30% kinh phí điều tiết (để lại) cho địa phương chi cho hoạt động của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đảm bảo trật tự ATGT địa phương nhưng lại bị hiểu sai khi cho rằng kinh phí này chi cho cả lực lượng TTKS, xử phạt vi phạm ATGT. Đặc biệt, do Văn phòng các Ban ATGT hiện nay không có tư cách pháp nhân nên việc lập dự toán chi số tiền này được giao cho Sở GTVT, trong khi cơ quan này không thể bao quát được hết nội dung công tác bảo đảm trật tự ATGT của các thành viên Ban ATGT tỉnh. Sở GTVT cũng không thể yêu cầu các thành viên Ban ATGT lập dự toán gửi về Sở với tư cách là đầu mối sử dụng ngân sách cấp dưới. Vì thế, hầu hết ý kiến của các địa phương cũng tán đồng phương án của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia là để Văn phòng Ban ATGT tỉnh lập dự toán kinh phí ATGT cho toàn tỉnh.
Phải chi tiền xử phạt đúng mục đích
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng cho rằng: “Nếu bảo anh em không chịu xử phạt vì kinh phí đưa lên Bộ Công an là không phải. Điều này làm chúng tôi rất trăn trở”.
Theo ông Nghị, toàn bộ kinh phí tập trung về Bộ Công an đều được đầu tư trở lại cho công tác ATGT tại cơ sở, đảm bảo theo tỷ lệ của Thông tư 89 như: Chi bồi dưỡng, tuyên truyền, mua sắm…
Giải đáp thêm về ý kiến cho rằng kinh phí từ Bộ Công an cấp về cho các địa phương không tương xứng với số tiền xử phạt đã thu, đại diện Vụ Tài chính (Bộ Công an) cho biết: “Về danh nghĩa, 70% số tiền xử phạt đưa về ngân sách T.Ư và cấp lại cho Bộ Công an, nhưng số thực tế lại không đủ như thế. Chẳng hạn số tiền phạt năm 2013 là 2.900 tỷ đồng nhưng thực tế cấp chỉ có 2 nghìn tỷ đồng. Các địa phương nói thấp cũng là bởi lý do đó”. Theo đại diện Bộ Tài chính, việc chuyển 100% kinh phí xử phạt về địa phương cũng có những điểm không hoàn toàn phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, tiền xử phạt ATGT dù để ở đâu cũng là để chi lại phục vụ cho công tác bảo đảm ATGT. Chúng ta đang làm tốt công tác ATGT, vi phạm giảm đi, tiền xử phạt cũng sẽ ít đi. Vì thế, việc chi bảo đảm ATGT, cả ngân sách T.Ư lẫn địa phương phải chi chứ không chỉ chờ vào nguồn xử phạt.
Từ quan điểm trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý với kiến nghị của các địa phương là 100% tiền xử phạt vi phạm ATGT để lại cho địa phương. Tỷ lệ vẫn là 70% cho công an và 30% cho hoạt động của các Ban ATGT. Về nội dung chi cần rà soát lại, bổ sung các nội dung chi mới còn thiếu, ghi rõ nội dung chi. Bên cạnh đó phải đưa ra những nội dung chi cho đúng để tạo động lực, tái tạo sức lao động và tăng hiệu quả các giải pháp bảo đảm ATGT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu không sử dụng nguồn thu từ xử phạt vào việc bảo dưỡng đường, xử lý “điểm đen” bởi đây là nhiệm vụ của Quỹ Bảo trì đường bộ (đối với quốc lộ) và nguồn chi của địa phương (tỉnh lộ). Đối với việc lập dự trù kinh phí, sẽ giao Ban ATGT các tỉnh lập dự trù kinh phí chuyển sang Sở GTVT và Tài chính thẩm định để trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia sớm có báo cáo về cuộc họp này trình Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét đề nghị Chính phủ sớm ban hành các qui định nêu trên.
Tiến Mạnh - Lê Tươi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận