Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV, thời gian qua, trên đường 3/2 tại chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên xảy ra kẹt xe vào buổi sáng.
Nguyên nhân là một số quầy bán hàng thực phẩm, gia dụng để cho nhân viên và khách đậu xe tùy tiện, lấn chiếm lòng lề đường, thậm chí đậu xe giữa đường.
Còn đoạn đường 3/2 giáp với đường Phan Châu Trinh gần đó cũng luôn xảy ra kẹt xe vì người bán, người mua không tuân thủ quy định về trật tự an toàn giao thông, đậu xe tràn lan dưới lòng đường...
Ở đường Đồng Khởi thuộc phường 9 cũng thường bị ách tắc giao thông do rất đông người bày hàng rau, củ quả… ra giữa đường để bán.
Hiện nay, việc quản lý an ninh trật tự tại đây do các phường 1, phường 4, phường 9… phụ trách. Điều đáng nói, trụ sở của ban quản lý chợ nằm ngay khu vực thường xuyên mất trật tự giao thông.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Chúng ta luôn nói về việc xây dựng chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng là chợ kiểu mẫu về trật tự, vệ sinh môi trường.
Hằng ngày, tôi thấy lãnh đạo một số phường cũng thường xuyên gửi hình ảnh, thông tin về việc chợ luôn đảm bảo an ninh, trật tự vào nhóm Zalo của thành phố. Tuy nhiên, tôi đã quan sát rất kỹ tình trạng mất an ninh trật tự tại các tuyến đường quanh khu chợ này.
Thực tế, khi lực lượng chức năng của các phường đang kiểm tra, kiểm soát, "lấy hình ảnh" để gửi Zalo thì những người bán hàng đang chấp hành theo kiểu "đối phó".
Tôi quan sát và thấy, khoảng 7h30 lực lượng chức năng đi kiểm tra, dường như người bán hàng, người dân đã nắm được lịch từ trước. Họ dọn dẹp sạch sẽ, để xe gọn gàng như đang tự giác tuân thủ quy định về trật tự một cách nghiêm túc".
Tuy nhiên, theo ông Tâm, khi đoàn kiểm tra đến, chụp ảnh gửi vào nhóm Zalo để báo cáo xong, mọi chuyện đâu lại vào đó. Người dân lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tạo một hình ảnh rất nhếch nhác và lộn xộn, gây tắc đường kẹt xe.
Ông Tâm nói thêm: "Đặc biệt, vào ngày nghỉ cuối tuần, lực lượng chức năng không đi kiểm tra thì tình trạng lộn xộn này lại càng phức tạp và nhếch nhác hơn.
Cũng có trường hợp cơ quan chức năng đã thu giữ sản phẩm của những người bán hàng vi phạm trật tự. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là việc xử lý vi phạm "đằng ngọn", không căn cơ, khó có tính ổn định, chẳng khác nào "bắt cóc bỏ dĩa".
Theo tôi, chúng ta phải đưa ra biện pháp xử lý tận gốc như: Cơ quan hữu quan phải gặp trực tiếp các hộ buôn bán, cá nhân buôn bán ở đó để tuyên truyền, giải thích cho họ về quy định của pháp luật, việc đảm bảo an ninh trật tự, môi trường khi buôn bán.
Việc này phải được thực hiện một cách thường xuyên và lâu dài như kiểu "mưa dầm thấm lâu", để họ nâng cao ý thức, tự giác chấp hành.
Thậm chí, chúng ta có thể yêu cầu họ ký biên bản chấp hành quy định. Nếu vi phạm nhiều lần có thể có chế tài xử lý nặng hơn, bởi họ cũng đã ký biên bản đồng ý rồi.
Thứ hai, tôi cho rằng, việc quản lý trật tự này nên đề cao trách nhiệm cho ban quản lý chợ. Bởi ban quản lý chợ là đơn vị sát sao, thường trực nhất tại chợ và tiếp xúc hằng ngày với các tiểu thương", ông Tâm đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư Thành ủy Sóc Trăng, cho biết: "Chúng tôi rất hoan nghênh góp ý của đại biểu Trần Khắc Tâm.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã phê bình kiểu chú trọng hình ảnh như thế và giao UBND thành phố Sóc Trăng chỉ đạo ban quản lý chợ, UBND các phường chỉ đạo đội trật tự phải làm thực chất. Phải giải quyết căn cơ, giải quyết và xử lý đúng gốc của vấn đề".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận