Cục Đường sắt yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan vụ tai nạn tàu đâm ô tô 7 chỗ ở Quảng Ngãi. Ảnh: cắt clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn
Trước 15/3 phải báo cáo rõ việc xử lý trách nhiệm
Liên quan đến vụ tai nạn tàu hàng SH3 đâm ô tô 7 chỗ khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương tại đường ngang có gác thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi xảy ra vào sáng 7/3, Cục Đường sắt VN vừa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương làm rõ.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt VN có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp chặt chẽ với Cơ quan công an điều tra vụ TNGT đường sắt trên, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật.
Khẩn trương tổ chức phân tích tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vụ TNGT đường sắt này, báo cáo kết quả phân tích vụ tai nạn; đồng thời có biện pháp bảo đảm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các vụ sự cố, tai nạn tương tự xảy ra và gửi về Cục Đường sắt VN trước ngày 15/3/2021.
Trường hợp do nguyên nhân chủ quan, đề nghị Tổng công ty Đường sắt VN xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vụ tai nạn và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 30/3/2021.
Cục Đường sắt VN cũng yêu cầu Tổng công ty chấn chỉnh ngay công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, tổ chức học tập, rút kinh nghiệm để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các quy định của pháp luật liên quan đến các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như lái tàu, trưởng tàu, gác chắn đường ngang, trực ban chỉ huy chạy tàu...
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong công tác quản lý, bảo trì, đảm bảo chất lượng cầu đường; đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung trên các tuyến đường sắt chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy trình tác nghiệp kỹ thuật và nồng độ cồn khi lên ban làm nhiệm vụ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tại nạn do chủ quan, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp theo quy định.
Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt như: thu hẹp lối đi tự mở, tổ chức cảnh giới tại các đường ngang, lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra TNGT; Bổ sung biển báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, vạch dừng, gồ giảm tốc tại các đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, đường ngang phòng vệ biển báo; Giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt...
Cục Đường sắt VN đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn khi đi qua đường sắt và thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn. Ảnh: minh họa
Bổ sung biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hỏng tại các đường ngang
Cũng tại văn bản này, Cục Đường sắt VN đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt trong phạm vi địa bàn quản lý, đặc biệt là các quy định của pháp luật về trật tự hành lang ATGT đường sắt, quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ, các quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Đồng thời quan tâm thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cá nhân, hãng taxi, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lái xe, phương tiện cơ giới tham gia giao thông nghiêm túc thực hiện nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; Tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đặc biệt khi người và các phương tiện giao thông đường bộ đi qua đường sắt.
Các địa phương cần tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm được phân công theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, Quyết định số 358/QĐ-TTg và quy chế phối hợp với Bộ GTVT trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hỏng tại các đường ngang do địa phương quản lý; Xây dựng vạch dừng, gồ, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Tổ chức cảnh giới, chốt gác ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở có nguy cơ mất an toàn cao nhưng chưa thể rào, đóng được; Tạo bề mặt bằng phẳng, êm thuận cho các phương tiện qua lại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; Phát quang tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.
Phối hợp với các lực lượng công chức thanh tra đường sắt, các doanh nghiệp đường sắt trên địa bàn tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ và phòng chống ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường sắt.
Đặc biệt, địa phương cần hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch, lộ trình tổng thể thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt hiện có theo lộ trình. Tổ chức rà soát, kiểm tra, chỉ đạo chính quyền phương cấp xã, huyện thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận