Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, cả nước xảy ra 276 vụ TNGT, làm chết 183 người, bị thương 241 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 274 vụ, làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra TNGT. Đáng chú ý, ngày 8/2 xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286. Hậu quả làm 3 người trên xe ô tô con thiệt mạng, 5 người bị thương.
Tính riêng trong ngày hôm nay 10/2 (mùng 6 Tết), cả nước xảy ra 28 vụ, làm chết 22 người, bị thương 19 người, tất cả đều là TNGT đường bộ.
So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ông Hùng cho biết, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 9 ngày (nhiều hơn kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2 ngày), vì vậy, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 28 Tết đến mồng 4 Tết) cả nước đã xảy ra 214 vụ TNGT, làm chết 135 người, bị thương 189 người. "So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết) giảm 46 vụ, giảm 60 người chết, giảm 31 người bị thương. Bình quân số người chết trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày, giảm 8 người chết/ngày so với bình quân số người chết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018", ông Hùng cho biết.
Về tình hình khám, cấp cứu TNGT sau 8 ngày nghỉ Tết, ông Hùng cho biết, tính từ 7 giờ sáng ngày 2/2 đến 7 giờ sáng ngày 9/2, có trên 45.600 ca khám, cấp cứu TNGT, chiếm trên 14% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó, có trên 16.600 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện).
Liên quan đến công tác xử phạt vi phạm giao thông, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, lực lượng CSGT đường bộ phát hiện, xử lý trên 21.000 vi phạm, phạt tiền trên 12 tỷ đồng, tạm giữ gần 4.000 phương tiện và gần 3.000 giấy tờ các loại, tước 385 giấy phép lái xe. Lực lượng CSGT đường thủy phát hiện, xử lý 537 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 476 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số lượt phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số hơn 160 lượt gọi/9 ngày; các cuộc gọi, tin nhắn chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 2 - 3/2 (ngày 28 và 29 Tết) và ngày 9/2- 10/2 (ngày mùng 5 và mùng 6 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân trở lại thành phố). Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người qui định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông...
"Các ý kiến phản ánh về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân. Những thông tin phản ánh vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe", ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, CSGT các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách. Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe.
Về tình hình ùn tắc giao thông, theo ông Hùng, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông; đồng thời do người dân được cung cấp thông tin đã chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, các trục chính tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.
Đánh giá về tình hình trật tự ATGT trong 9 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ông Khuất Việt Hùng cho biết, trật tự ATGT trên toàn quốc được duy trì ổn định, bình quân TNGT trên ngày giảm cả 3 tiêu chí so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, không xảy ra TNGT đường thủy, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
"Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; Việc cải tiến phương thức bán vé đã tạo thuận tiện cho hành khách, giảm áp lực cho hành khách khi mua vé. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục, giảm nhiều so với trước. Việc quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm ATGT, tổ chức các đoàn kiểm tra được các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường. Bên cạnh đó, các lực lượng đều nỗ lực cao nhất để đảm bảo phương tiện phục vụ người dân về quê đón Tết với gia đình", ông Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trong những ngày từ mùng 2 Tết đến mùng 4 Tết, tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt trong ngày 8/2 (mùng 4 Tết Kỷ Hợi) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286 làm 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Bên cạnh đó, TNGT tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị, chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy; tai nạn xảy ra ở các đoạn đường ngoài đô thị.
Để bảo đảm ATGT trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2019 (hết tháng 2/2019), Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, ban ATGT tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1793/2018 về bảo đảm ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2019, các giải pháp đã chỉ đạo trong Thông báo số 25/2019 của Văn Phòng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận