Ngày 16/10, Cục CSGT đã tổ chức Hội nghị đảm bảo TTATGT đường sắt năm 2019 với sự tham gia của lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia, các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an), Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 23 lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố trên cả nước có tuyến đường sắt đi qua địa bàn.
Theo Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT, TNGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp.Theo thống kê, từ năm 2016 đến 6 tháng 2019, đã xảy ra 972 vụ TNGT đường sắt, làm chết 535 người, bị thương 589 người; lực lượng CSGT đường sắt đã kiểm tra, lập biên bản 43.866 trường hợp vi phạm an toàn đường sắt.
Ngoài ra, tình hình lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại trên đường sắt cũng còn diễn biến phức tạp. Hơn 3 năm qua, lực lượng công an đã phát hiện 24 vụ vận chuyển hàng hoá, gian lận thương mại trên đường sắt, thu giữ 2.262 kiện bằng 118 tấn hàng hoá các loại, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 8 vụ hành hung, chống lại nhân viên đường sắt, 68 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của khách đi tàu...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo ATGT đường sắt, đặc biệt là xử lý các đường ngang dân sinh trái phép. Đây là những địa điểm thường xảy ra TNGT. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định yêu cầu đến năm 2025 sẽ xoá hoàn toàn các đường ngang dân sinh trái phép nhưng hiện nay việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn vì các địa phương chưa có kinh phí, chưa có đất đên bù cho dân để làm đường gom.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nêu nguyên nhân xảy ra TNGT kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, dẫn đến việc nhận diện các biển báo, vạch kẻ đường ban đêm, nhiều địa phương cấp phép xây dựng các công trình rất sát đường sắt gây nguy hiểm...
Kết luận hội nghị, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT nêu rõ 5 vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới, đó là sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường sắt; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, chống vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại trên đường sắt; tập trung lực lượng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra an toàn của các phương tiện giao thông đường sắt; tập huấn cho lực lượng CSGT về sử dụng vũ khí, thiết bị kỹ thuật.
“CSGT đường sắt là lực lượng có truyền thống sử dụng vũ khí rất tốt, cần phát huy lợi thế này trong đấu tranh chống tội phạm lưu động trên đường sắt”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đảm bảo ATGT nói chung, ATGT đường sắt nói riêng, kết nối, khai thác dữ liệu từ hệ thống camera giám sát của các đơn vị ngành đường sắt để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT đường sắt và xử lý vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận