Hiện trường vụ TNGT giữa xe ô tô chở bê tông tươi với xe máy tại đường Vành đai 3 - Tam Trinh (Hà Nội) ngày 12/11/2015 làm 1 người chết - Ảnh: Tạ Tôn |
Những tháng đầu năm, dù TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng trên địa bàn cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương cùng lúc nhiều người, để lại nỗi đau dai dẳng cho gia đình các nạn nhân và xã hội.
Nỗi đau dai dẳng sau tai nạn
Đầu tháng 4, PV Báo Giao thông cùng đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp đến thăm cháu Nguyễn Thị Kim Loan (Ninh Bình) mới được 3 tuổi là nạn nhân TNGT đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Dù còn quá nhỏ, nhưng Loan đã phải chịu nỗi đau chồng nỗi đau khi vừa là nạn nhân bị thương tích nặng, vừa mất cả bố lẫn mẹ trong một vụ TNGT. Đau lòng hơn, mẹ Loan mất khi đang mang thai tháng thứ 6. Trên Loan còn chị gái đang học lớp 1. Cha mẹ mất đi, không biết tương lai hai chị em Loan sẽ đi về đâu.
Anh Nguyễn Văn Hữu, bác ruột của bé Loan nghẹn ngào: “Trước ngày giỗ bố tôi một ngày, gia đình nhận được tin dữ, hai vợ chồng em trai chết vì TNGT. Hôm đó, hai vợ chồng cùng cháu Loan đi xe máy trên đường từ Nam Định về để ngày hôm sau giỗ bố thì bị một chiếc xe tải đâm phải, làm hai vợ chồng em trai tôi chết tại chỗ, cháu Loan bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não và vỡ xương chậu, phải điều trị lâu dài”.
Khoản 3, Điều 260, Bộ luật Hình sự quy định, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. |
Hoàn cảnh bé Loan kể trên chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình trên địa bàn cả nước đang phải gánh chịu nỗi đau, mất mát do hậu quả của TNGT nghiêm trọng. Mới đây nhất, ngày 3/5, trên QL1 đoạn qua xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách BKS 43B-026.33 (nhà xe Sơn Lâm), xe tải chở dăm gỗ BKS 76C-034.43 và xe chở đất BKS 43S-4336. Hậu quả, 4 người chết, 5 người bị thương.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, 4 tháng đầu năm, với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, TNGT đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. So với cùng kỳ năm 2015, giảm trên 12,6% số vụ, trên 5,4% số người chết và giảm 17,32% số người bị thương. Tuy nhiên, trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe mô tô.
Ông Bùi Huynh Long, nguyên Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua do phương tiện chạy với tốc độ cao. “Lái xe không làm chủ tốc độ nên không xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường. Ngoài ra, tài xế điều khiển xe quá cẩu thả, không có đạo đức nghề nghiệp. Lái xe không đủ sức khỏe, không tỉnh táo, buồn ngủ, uống rượu, bia nhưng vẫn cố cầm vô lăng để điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về trật tự ATGT như: Phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, tránh đường sai quy định, chạy xe trên đường ngược chiều... “Bên cạnh đó, kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống trên đường của người tham gia giao thông còn kém, đặc biệt là trên đường đèo dốc”, ông Thái phân tích.
Lái xe cần vừa “hồng” vừa “chuyên”
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thời gian tới để kéo giảm TNGT nghiêm trọng, một trong nhiều giải pháp đặc biệt quan trọng cần chú ý là xây dựng đội ngũ lái xe vừa có nghiệp vụ tốt vừa phải có đạo đức nghề nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Diễn đàn OtoFun cho rằng, một người cầm vô lăng mà vô ý thức sẽ rất nguy hiểm. Sau vô lăng là sinh mạng của hàng chục, hàng trăm người. “Người lái xe biết làm chủ tốc độ, biết dừng đỗ khi sức khỏe không đảm bảo chắc chắn TNGT sẽ không xảy ra. Chúng ta phải tạo dựng được đội ngũ lái xe có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe tốt, kỹ năng điều khiển phương tiện vững vàng”, ông Thắng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, thời gian tới, cùng với việc phát triển và quản lý tốt hệ thống hạ tầng, cần tiếp tục siết chặt công tác kiểm định phương tiện cơ giới, nhất là quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục, đào tạo, nâng cao ý thức, phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để thanh trừ những lái xe đạo đức yếu kém, vi phạm nhiều lần quy tắc ATGT. “Vấn đề con người phải là hàng đầu, trong đó sức khỏe và ý thức là quan trọng nhất. Còn vấn đề kiểm soát và xử phạt chỉ là một trong những giải pháp để nâng cao ý thức của người lái và loại bỏ những người có ý thức kém. Việc làm này cũng chính là cách để nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe”, ông Thanh nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, những yêu cầu chuẩn mực mới về ATGT tại bộ tiêu chuẩn ISO-9001 về quản lý ATGT rất thiết thực đối với doanh nghiệp vận tải. Đối tượng cần nâng cao nhận thức chính là chủ doanh nghiệp vận tải, khi “ông chủ” nhận thức được về ATGT sẽ truyền xuống người lao động. Khi chủ doanh nghiệp nhận thức được rằng, cần phải tạo môi trường làm việc tốt cho người lái xe, để họ có sức khỏe tốt, yên tâm lái xe thì chủ doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý lao động phù hợp, ký hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe tốt cho người lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận