Lực lượng CSGT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi nguy hiểm như chở quá tải, chạy quá tốc độ - Ảnh: Khánh Linh |
Chiều qua (30/11), Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia về các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ nhân dân đi lại cuối năm và dịp Tết.
Tăng liên thông để quản chặt lái xe, xử nghiêm xe quá tải
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá, 11 tháng đầu năm 2016, tuy toàn quốc kéo giảm được TNGT so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng tháng 11 diễn biến phức tạp, tăng so với tháng 10. “Hiện, đã vào dịp chuẩn bị cao điểm vận tải Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc với tinh thần cao nhất để bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ nhân nhân đi lại thuận lợi, an toàn”, Bộ trưởng yêu cầu.
Báo cáo Bộ trưởng và Ban Thường trực, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, TNGT trong tháng 11/2016 tăng cả số vụ, số người chết và bị thương so với tháng trước và có biểu hiện phức tạp. “Các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải nặng, xe chở container trong tháng 11 tiếp tục được kéo giảm so với những tháng đầu năm, nhưng xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến mô tô, xe gắn máy, ô tô dưới 9 chỗ, phương tiện thủy dân sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có vụ xe máy đâm nhau chết đến 5 người. Tình hình vi phạm về trọng tải đường bộ diễn biến phức tạp. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM có giảm nhưng có nguy cơ tái diễn trong dịp cuối năm nhất là cận Tết Nguyên đán”, ông Hùng cho hay.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 11 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 16/12/2015 - 15/11/2016), toàn quốc xảy ra 19.429 vụ TNGT, làm chết 7.907 người, bị thương 17.184 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.426 vụ, giảm 119 người chết, giảm 1.990 người bị thương. Riêng trong tháng 11, xảy ra 2.180 vụ, làm chết 787 người, làm bị thương 1.965 người. So với tháng 10/2016 tăng 342 vụ, tăng 107 người chết, tăng 219 người bị thương. |
Trước thực tế này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, sự phối hợp giữa đơn vị chức năng của ngành GTVT và CSGT chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, nhất là việc cấp, quản lý GPLX ô tô, dẫn đến thực tế có những trường hợp lái xe vi phạm Luật GTĐB, bị CSGT hoặc lực lượng chức năng tạm giữ GPLX nhưng không chấp hành xử lý, sau đó vẫn được cấp lại GPLX khác.
Thiếu tướng, Cục trưởng Cục CSGT Trần Sơn Hà cũng cho biết, các chế tài xử lý vi phạm đối với lái xe khá mạnh, vài năm gần đây lực lượng CSGT tước hàng triệu GPLX ô tô và có không ít trường hợp GPLX vẫn đang do CSGT tạm giữ mà lái xe vẫn có GPLX khác. “Khi CSGT điều tra sâu, có trường hợp lái xe đang bị tạm giữ GPLX nhưng báo mất, sau một năm đã được cấp lại. Vì vậy, cần có sự quản lý chặt để ngăn chặn hiện tượng này”, Thiếu tướng Hà đề xuất.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, bất cập hiện nay là thiếu sự liên thông thông tin giữa đơn vị cấp, quản lý GPLX và lực lượng có chức năng kiểm tra, xử lý. “Phải có sự liên thông thông tin, cơ chế phối hợp quản lý giữa các ngành, đơn vị chức năng để ngăn chặn hiện tượng cấp lại GPLX không đúng quy định, hiện tượng một lái xe có hai GPLX”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đề cập tình hình kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu, tới đây cần tăng cường kiểm tra, cương quyết xử lý vi phạm. “Việc xử lý 10% lượng phương tiện còn lại cố tình vi phạm chở quá tải vô cùng khó khăn, nếu chính quyền các địa phương không vào cuộc quyết liệt sẽ khó có hiệu quả. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng TTGT tập trung kiểm tra, xử lý vi pham tại các đầu mối lên, xuống hàng, kho hàng, tránh tình trạng TTGT dừng xe trên đường. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông do lực lượng CSGT đảm nhận”, Bộ trưởng nói.
Xem thêm video:
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, mới đây trực tiếp đi kiểm tra công tác này tại một số địa phương, nhận thấy có biểu hiện tái diễn vi phạm chở quá tải. Trong khi đó, lực lượng TTGT địa phương khá lúng túng trong việc tổ chức kiểm soát tải trọng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, hiện có 31 trạm cân trên toàn quốc đã tạm dừng hoạt động. Qua kiểm tra gần đây, tình trạng chở quá tải bắt đầu xuất hiện trở lại và ở nhiều địa phương có diễn biến phức tạp. Có địa phương, khi người của Tổng cục vào kiểm tra, tình hình tốt hơn nhưng sau khi rút đi lại tái diễn vi phạm.
“Tình trạng đơn vị vận tải, nhà xe thuê người chuyên bám theo các đoàn công tác của lực lượng chức năng để thông báo cho các xe né tránh diễn ra phổ biến. Tới đây, cùng với các Đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ GTVT, nên thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT... để xử lý nghiêm vi phạm quá tải và cơi nới thành, thùng xe”, ông Huyện đề xuất.
Xe cơi nới thành thùng, chở quá tải sẽ được lực lượng TTGT (Bộ GTVT) kiểm soát chặt ngay tại nơi xuất hàng - Ảnh: Dương Linh |
Nâng chất lượng vận tải hàng không
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, ngành Hàng không không nên chạy theo việc tăng chuyến, tăng sản lượng vận tải khách. Việc tăng chuyến phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng và quan tâm đến chất lượng dịch vụ vận tải. Nếu chỉ coi tăng trưởng số lượng hành khách là thành tích, sẽ là tiêu chí lệch lạc.
“Sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 25 triệu hành khách/năm mà phục vụ lên tới 32 triệu thì việc cấp phép, cấp chuyến phải xem xét, không phải các hãng tăng chuyến mà “vỗ tay” theo. Không thể nhìn vào sự tăng trưởng này mà phấn khởi, vì hạ tầng hiện tại không đáp ứng được. Hàng không phải siết lại, nhất là trong dịp Tết, các hãng cứ lấy khẩu hiệu phục vụ hành khách để thoải mái tăng chuyến là không ổn. Cuối cùng, hành khách bị đối xử không tốt vì hạ tầng, dịch vụ không đáp ứng được. Không thể đưa khách lên máy bay là xong việc”, Bộ trưởng nói.
Về vận tải đường bộ, Bộ trưởng chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương chủ động kế hoạch vận tải hành khách, cung cấp phương tiện để đưa đón công nhân, sinh viên trong trong dịp trước và trong Tết để giảm áp lực cho bến xe. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn phương tiện ngay từ các đầu bến; Tổ chức cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và trật tự ATGT.
Về phía lực lượng CSGT, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết, tới đây sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm, tập trung vào QL1, miền Trung, Tây Nguyên và 5 thành phố lớn. Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi nguy hiểm như: Vi phạm phần đường, quá tốc độ, quá nồng độ cồn cho phép...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận