CSGT Hà Nội dán thông báo "phạt nguội" một xe ô tô vi phạm lỗi đỗ dừng
Ngày 21/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, sau 1 tuần ra quân (từ ngày 15/12 đến 21/12) triển khai thực hiện dán thông báo "phạt nguội" lỗi dừng, đỗ trên các tuyến phố Thủ đô, đơn vị đã xử lý 304 trường hợp vi phạm.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, hàng ngày, các Đội CSGT địa bàn tiếp tục xử lý mạnh lỗi đỗ, dừng trên các tuyến phố chính và tập trung vào 8 tuyến đường trọng điểm gồm: Ngọc Hồi đến Lê Duẩn; Quang Trung, Trần Phú (quận Hà Đông) đến Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Chu Văn An; Tố Hữu đến Giảng Võ; Trần Duy Hưng đến Văn Cao; Nhổn đến Nguyễn Thái Học; Nguyễn Văn Cừ đến Đặng Phúc Thông; Võ Nguyên Giáp đến cầu Vĩnh Tuy; Phạm Văn Đồng đến đường vành đai 3 dưới thấp qua bán đảo Linh Đàm...
Lãnh đạo Phòng CSGT nhìn nhận, qua 1 tuần triển khai dán "phạt nguội" lên kính xe, ý thức lái xe đã tăng lên, không còn chuyện chây ỳ, chống đối, tỷ lệ xe vi phạm có dấu hiệu giảm.
Theo đúng quy trình đã được tập huấn, với những xe vi phạm đỗ dừng, CSGT sẽ gọi loa tìm chủ xe trước. Nếu chủ xe không xuất hiện, CSGT sẽ ghi hình hiện trạng phương tiện, sau đó mới tiến hành dán phiếu phạt lên kính xe.
Trên phiếu phạt có ghi đầy đủ thông tin ngày, giờ vi phạm và số điện thoại của cơ quan chức năng để chủ phương tiện liên hệ. Với xe bị dán thông báo vi phạm, trong thời hạn 3-5 ngày tiếp theo, CSGT sẽ xác minh thông tin về phương tiện và chủ phương tiện để gửi thông báo, yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến giải quyết.
Vi phạm cũng được cập nhật vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông báo đến Công an địa bàn nơi chủ phương tiện cư trú, học tập, đồng thời gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để phối hợp xử lý.
So với cách làm cũ (CSGT lập biên bản có xác nhận của người làm chứng, sau đó dán niêm phong và cẩu xe về nơi tạm giữ) thì phương pháp mới tiện lợi hơn cho CSGT cũng như người vi phạm. CSGT không phải mất thời gian, thủ tục gọi xe cẩu, việc cẩu xe vi phạm về đơn vị cũng tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, TNGT; còn tài xế vi phạm không còn phải trả tiền cẩu xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận