Tai nạn giao thông giảm sâu
Tại báo cáo gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, nòng cốt là lực lượng công an nhân dân và ngành giao thông, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kiềm chế và giảm qua các năm, hạn chế ùn tắc giao thông; chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, tải trọng...
Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2009 đến hết 2023, cả nước xảy ra hơn 298.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết trên 141.000 người, bị thương trên 249.000 người.
Nổi bật nhất trong giai đoạn này đó là đưa vào triển khai các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 với nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ 2001.
Trong đó phải kể đến các quy định kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu khi tham gia giao thông; quy định người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm; quy định về vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật; quy định về người đi bộ, xe thô sơ, xe mô tô không được đi vào đường cao tốc; bổ sung độ tuổi trẻ em được chở thêm trên mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi; nâng độ tuổi đối với lái xe hạng D, E và FC; quy định số km lái xe an toàn đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe; quy định trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học cơ sở đối với trường hợp nâng hạng lái xe D, E.
Đồng thời, tăng thẩm quyền cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông trong việc thực thi nhiệm vụ được giao; quy định cụ thể hơn về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cho phép lập Quỹ Bảo trì đường bộ và xác định nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường bộ.
Đối với hoạt động vận tải, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như: quy định điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, quy định về bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; bổ sung quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải; điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…
Nhờ đó, tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực: ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. HCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, tình trạng xe "cơi nới" thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc; học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.
"Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", văn bản báo cáo nêu rõ.
Sửa luật, tăng cường đảm bảo TTATGT
Chính phủ cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, một số quy định của Công ước Viên 1968 phù hợp với thực tế của Việt Nam nhưng chưa được nội luật hóa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như: quy định cấm người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại di động khi lái xe; quy định lái xe và hành khách trên phương tiện cơ giới phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn…
Theo Chính phủ, việc quy định phải thắt dây an toàn đối với lái xe, người ngồi trong xe ô tô có trang bị dây an toàn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người lái xe cũng như người ngồi trên xe.
"Qua theo dõi cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn xe khách có thương vong lớn một phần là do hành khách không thắt dây an toàn", văn bản báo cáo nêu.
Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo ATGT đường bộ, trong thời gian tới, Chính phủ cho rằng cần rà soát, điều chỉnh trong quá trình xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sửa đổi Luật Đường bộ nhằm phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ năm 1968, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 và thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, tạo cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ cho đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đảm bảo ATGT đường bộ và chống ùn tắc giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận