Lưu thông trên một số tuyến phố nội đô Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận có rất nhiều xe máy “cà tàng” kéo theo những đống hàng cồng kềnh.
Tuyến phố La Thành (từ nút giao La Thành - Láng Hạ đến nút giao La Thành - Xã Đàn) có hàng trăm cửa hàng buôn bán sắt thép. Do diện tích mặt đường nhỏ hẹp, vật liệu ở đây chủ yếu được vận chuyển bằng xe máy. Hàng ngày, lưu thông trên tuyến đường này dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy “cà tàng” chất những thanh sắt nhọn, sắc dài cả chục mét lên những giá sắt lỏng lẻo rồi nghênh ngang hòa vào dòng người đông đúc, di chuyển như chỗ không người.
Để phục vụ vận chuyển hàng hóa, hầu hết các hộ kinh doanh sắt thép ở đây, nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy “cà tàng” thường trực trước nhà.
Tương tự, trên đường Nguyễn Trãi cũng có rất nhiều cửa hàng kinh doanh và thường xuyên có xe máy “cà tàng” chở hàng. Sáng 12/4, PV bắt gặp một chiếc xe máy tự chế chở hàng chục thanh tuýp sắt dài khoảng 5m di chuyển hướng về Ngã Tư Sở. Quan sát cho thấy, chiếc xe này đã trong tình trạng “hết đát”, thân xe gần như chỉ còn chiếc khung trơ, không gương chiếu hậu, không yếm bảo vệ, kèm theo đó là chiếc xe cải tiến được gắn phía sau để kéo hàng. Dù chở loại hàng hóa dễ gây thương tích cho người tham gia giao thông song chủ phương tiện vẫn ung dung điều khiển xe chạy với tốc độ rất nhanh khiến ai nấy đều “khiếp vía”.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại không ít những chiếc xe máy hết hạn sử dụng được tận dụng làm “xe thồ” vận chuyển đủ các loại mặt hàng cồng kềnh như: Nước uống, gạch granite, gương kính,… Điểm chung của các phương tiện này là không có biển số xe hoặc nếu có, các chữ số đều mờ tịt, khó nhìn. Các bộ phận như: Xi-nhan, đèn chiếu hậu,... của những chiếc xe này cũng gần như không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về an toàn.
Theo một cán bộ Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội), nhiều năm qua, lực lượng CSGT quyết liệt xử lý các trường hợp xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, gây mất ATGT. Tuy vậy, việc xử lý xe máy “hết đát”, gây ô nhiễm môi trường hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định, CSGT làm nhiệm vụ trên đường không có thiết bị chuyên dùng phân tích các yếu tố kỹ thuật nên không thể dùng mắt thường và cảm quan để xử phạt.
Chuyên gia Jica, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, sự quản lý về hoạt động của xe máy ở Việt Nam hiện nay còn rất lỏng lẻo, thực hiện theo kiểu “thả gà ra bắt”. Mỗi chiếc xe máy ra đời, chúng ta đều cấp đăng ký nhưng lại không có cơ chế giám sát việc sang tên đổi chủ, không có quy chuẩn xác định niên hạn sử dụng. “Hệ quả là hàng ngàn chiếc xe máy cũ, nát đang lưu thông trên đường đều không xác định được chủ xe đó là ai và nó còn niên hạn sử dụng hay không”, TS Đức nói.
Theo TS Đức, thời gian tới, ngoài giải pháp ngắn hạn là tăng cường lực lượng chức năng xử lý mạnh tay đối với những xe máy cũ chở hàng cồng kềnh, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xe máy, bắt buộc xe máy phải thực hiện kiểm định theo định kỳ giống như ô tô. “Trên cơ sở đó, những chiếc xe nào không chịu đăng kiểm hoặc không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật đúng quy chuẩn lập tức sẽ buộc phải đào thải. Trường hợp cố tình lưu hành sẽ bị tịch thu, xử lý triệt để”, TS Đức đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận