Sinh viên Đại học Vinh được đào tạo kiến thức pháp luật về ATGT, dạy lái xe an toàn |
11h30 ngày 24/12/2018, ngay khi chuông báo kết thúc buổi học vang lên, em Nguyễn Thị Trang Nhung (sinh viên năm 2 Khoa Sư phạm ngoại ngữ) lại cùng nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Vinh tới nút giao thông Bạch Liêu - Lê Duẩn làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ dẫn giao thông. Giữa dòng người xe ồn ào tấp nập, các em cần mẫn điều tiết giao thông cho tới khi những tốp sinh viên cuối cùng rời trường. Nhung cho biết: Sáng từ 11h30 - 12h, chiều 17h30 - 18h, bất kể ngày hè hay mùa đông, chúng em đều có mặt phân luồng giao thông ở nút giao này.
“Từ ngày đội tình nguyện tham gia điều tiết giao thông, ùn tắc, va chạm không còn xảy ra nữa”, bác Nguyễn Công Minh (60 tuổi, ở đường Bạch Liêu) cho biết.
Ngoài nút giao thông Bạch Liêu - Lê Duẩn, Đại học Vinh còn cắt cử 2 đội tình nguyện khác làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở đường Phạm Kinh Vĩ (đoạn trước cổng Trường Thực hành sư phạm) và tại cổng phụ trên đường Bạch Liêu.
Phó bí thư Đoàn trường Đại học Vinh Nguyễn Thái Dũng cho biết: Mô hình sinh viên tình nguyện tham gia phân luồng giao thông được nhà trường triển khai từ ngày 30/4/2016, đã góp phần tích cực kéo giảm ùn tắc và TNGT khu vực cổng trường, được UBND thành phố, Ban ATGT tỉnh đánh giá cao.
Thạc sĩ Lê Công Đức, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, kiêm Phó ban ATGT trường Đại học Vinh cho biết, 6 năm qua, Ban ATGT Đại học Vinh đã triển khai nhiều hoạt động ATGT thiết thực, hiệu quả như: Thành lập đội tình nguyện ATGT, tổ chức lễ phát động hưởng ứng Năm ATGT, tổ chức tuyên truyền, giáo dục ATGT cho các cán bộ, sinh viên trong trường; triển khai mô hình “Nhà trường - Trường lái - doanh nghiệp”.
Thông qua mô hình “Nhà trường - Trường lái - doanh nghiệp”, Đại học Vinh đứng ra kết nối với Trung tâm Đào tạo sát hạch GPLX cử giáo viên về dạy Luật GTĐB, hướng dẫn lái xe tại trường; Công ty TNHH Đức Ân (Đại lý Honda Đức Ân) tài trợ kinh phí mua sắm tài liệu, biển báo ATGT... Bình quân có khoảng 10.000 học sinh, sinh viên tham gia khóa học/năm. Khoảng 2.000 sinh viên tới độ tuổi được thi cấp GPLX hạng A1. 100% cán bộ, sinh viên của trường được đào tạo, bổ trợ kiến thức về ATGT. Trong 2 năm trở lại đây, trường không có học sinh nào tử vong vì TNGT, số em bị thương do TNGT giảm mạnh.
Ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, môtô, xe máy là loại phương tiện chiếm tỉ lệ cao nhất trong các vụ TNGT. Tình trạng vi phạm giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên cũng là vấn đề nhức nhối. Việc trường Đại học Vinh thành lập Ban ATGT, xây dựng các chương trình ATGT hiệu quả là cách làm tốt, cần được nhân rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận