Ngày 5/3, trên mạng xã hội lan truyền video một người phụ nữ chạy xe máy đang lưu thông trên đường bất ngờ dừng xe giữa đường để sử dụng điện thoại. Chỉ sau khoảng 15 giây, người phụ nữ này bị một nam thanh niên chạy xe máy tông vào đuôi xe. Cú va chạm mạnh khiến cả hai ngã văng xuống đường.
Cách đó không lâu, ngày 25/2, tại một tuyến đường thuộc địa bàn TP HCM, một người phụ nữ đi chiếc SH trắng chở theo hai đứa trẻ đang tham gia giao thông cũng đột ngột dừng lại giữa đường nghe điện thoại, chiếc ô tô đi phía sau do không kịp phanh lại đã tông mạnh vào đuôi xe SH khiến cả 3 người ngồi trên xe máy bị hất mạnh xuống đường. Diễn biến phía sau vụ việc tuy không được ghi lại song chắc rằng vụ tai nạn đó không chỉ mang đến thương tích cho những đứa trẻ đi theo mà còn tạo nên cú sốc lớn trong tâm trí của chúng.
Mới đây nhất, chiều 13/3, một thanh niên đã trở thành nạn nhân, mất mạng trong vụ TNGT liên hoàn do ô tô gây ra trên đường phố Đà Nẵng cũng chỉ vì dừng để nghe một cuộc điện thoại.
Những vụ việc trên cho thấy, hành vi nghe điện thoại khi đi trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, hậu hoạ đưa đến không chỉ với chủ thể sử dụng điện thoại mà còn khiến những phương tiện đi bên cạnh bị “vạ lây”, thậm chí phải gánh hậu quả nặng nề hơn.
Tuy vậy, trực tiếp lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt ở các đô thị lớn, hình ảnh người đi xe máy, trong đó có cả những người hành nghề “xe ôm công nghệ” một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại, điều khiển xe trong tình trạng mắt “dán” vào điện thoại vẫn xuất hiện nhan nhản. Những trường hợp đang đi giữa phố, đột ngột cắt ngang dòng phương tiện, táp vào lề đường không xi nhan, không quan sát, không ra dấu cho các xe phía sau biết cũng còn không ít.
Chuyên gia xã hội học, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện tượng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại trên đường phố xuất hiện ngày một nhiều, trong đó không ít người chỉ vì mục đích, công việc của mình mà “bỏ quên” sự an toàn của người khác.
“Hành vi của một bộ phận người điều khiển xe máy ngang nhiên dừng giữa đường nghe điện thoại trong thời gian qua không chỉ thể hiện sự thiếu kiến thức về pháp luật giao thông, mà còn thể hiện sự ích kỉ, coi công việc cá nhân của mình là nhất, coi mình là “oách” nhất trên đường, tự cho mình quyền dừng lại bất cứ đâu. Đó vừa là hành vi mang tính thách thức pháp luật vừa cho thấy đạo đức, văn hóa của họ thực sự có vấn đề”, TS. Bình nói.
Văn hóa giao thông
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận