Tối mai (21/11), lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT sẽ được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia. Báo Giao thông trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng xung quanh lễ tưởng niệm.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Đã gần 10 năm, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức các hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT. Năm nay hoạt động này được tổ chức ra sao?
Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2021 với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng - Ảnh: Thành Vũ
Hoạt động đáng chú ý năm là Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam với sự đồng hành của Công ty ôtô Toyota VN tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Người bạn đường” gắn với Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2021 tại Việt Nam vào lúc 20h ngày 21/11.
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông; thực hiện “đã uống rượu, bia không lái xe”; “không phóng nhanh, vượt ẩu”; “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy” để cùng chung tay bảo đảm trật tự ATGT và phòng, chống dịch Covid-19 là hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình có thân nhân không may qua đời do TNGT.
Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên và có hình thức giúp đỡ phù hợp đối với gia đình nạn nhân TNGT.
Trong tháng 11 và cả tháng 12, tuỳ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT, nạn nhân TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ủy ban ATGT Quốc gia thành lập 4 đoàn công tác thăm nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông, Tiền Giang.
Đã qua nhiều năm, vẫn có nhiều người chưa hiểu hết mục đích của việc tổ tưởng niệm nạn nhân TNGT, vì sao thưa ông?
Từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.
Đây là dịp chia sẻ những đau thương, mất mát, cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân để phòng tránh TNGT; tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo ATGT. Đồng thời, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.
“Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại bức tranh toàn cảnh về những mất mát to lớn và nỗi đau dai dẳng do tai nạn giao thông để lại, từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự ATGT và của mỗi người dân khi tham gia giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm số vụ, số người chết, bị thương do TNGT.
Nhiều người vẫn hiểu tưởng niệm chỉ đơn thuần là chúng ta ngồi tiếc thương về điều gì đó đã mất? Tưởng niệm nạn nhân TNGT có đơn thuần ý nghĩa đó?
Không phải như vậy, thông điệp của ngày tưởng niệm là “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, chúng ta tưởng nhớ, tiếc thương, các nạn nhân nhưng chúng ta cũng phải hành động để nỗi tiếc thương, niềm đau xót đó trở thành động lực làm cho giao thông mỗi ngày an toàn hơn.
Lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT năm 2020
Tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch
Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động tưởng niệm sẽ thích ứng ra sao, thưa ông?
Các hoạt động tưởng niệm được tổ chức thống nhất từ Trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đến các địa phương, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo được sự quan tâm, chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này chỉ được thực hiện khi tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại từng địa phương.
Thời gian vừa qua, có một số trường hợp lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch hy sinh. Họ sẽ được nhắc đến thế nào?
Mỗi ngày, khi ra đường vẫn có những người không trở về nhà vì TNGT. Điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta coi mỗi người cùng đi trên đường là những người bạn đường. Đó là thông điệp của "Người bạn đường" năm 2020.
Năm 2021, là năm thứ hai Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam cùng sự đồng hành của Công ty ôtô Toyota VN tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Người bạn đường” gắn với lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ và tiêu cực lên mọi mặt đời sống xã hội. Giao thông cũng không ngoại lệ.
Trong thời gian giãn cách xã hội, giao thông thông thoáng hơn, TNGT giảm đáng kể. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng, lực lượng tuyến đầu chống dịch lại phải căng mình làm việc, vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT, vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Họ đã làm việc với tinh thần tận tâm, tận lực nhằm đảm bảo mạch giao thông phục vụ kinh tế - xã hội, chở hàng cứu trợ hay để giúp đỡ đồng bào trong gian khó. Cùng với những nạn nhân tử vong do TNGT, đã có những cán bộ, chiến sĩ ngã xuống vì sự an toàn và cuộc sống yên bình của nhân dân.
Trong ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2021, chúng ta cùng tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh của những đồng chí mình và chung tay chia sẻ, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau trong lòng người thân, bạn bẻ của họ.
Tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực giám sát
Tưởng nhớ nạn nhân TNGT chúng ta cũng không quên nhắc đến những hậu quả nặng nề do TNGT gây ra, thưa ông?
TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, số người tử vong do TNGT ở nước ta vẫn ở mức cao và hậu quả vẫn rất nặng nề.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam, TNGT gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng. Trong một năm, tăng trưởng kinh tế được khoảng 7% thì TNGT lấy đi gần 3%.
Nếu số tiền trên được dùng xây trường học, bệnh viện, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội.
TNGT gây thiệt hại trực tiếp đến phương tiện và tài sản thì có thể đong đếm được. Tính mạng con người là vô giá, thiệt hại về con người là không định lượng được.
TNGT còn thiệt hại gián tiếp trong suốt quá trình sau đó. Trong một gia đình, nếu bố mẹ không may tử vong do TNGT thì những đứa con chịu ảnh hưởng lớn nhất, mất đi cơ hội phát triển. Không có người nuôi dưỡng, chỉ bảo, không được học hành cuộc đời các em rẽ sang hướng khác, dễ sa vào tệ nạn xã hội và sẽ gây hệ lụy lớn.
Bên cạnh đó, có những người có năng lực, có khả năng cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, nhưng không may bị tử vong do TNGT là điều vô cùng đáng tiếc. Nếu những con người đó không bị TNGT sẽ rất có ích cho xã hội.
Tất cả những thiệt hại đó cho chính bản thân nạn nhân và xã hội đều vì một vụ TNGT. Đây là thực trạng đòi hỏi chúng ta vừa cần có giải pháp mạnh vừa phải kiên trì, quyết liệt để kéo giảm TNGT.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng dẫn đầu đoàn công tác thăm gia đình nạn nhân trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người thiệt mạng, 1 người trọng thương tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/4/2020
Để giảm thiệt hại, nhiều nước trên thế giới đang hướng tới tầm nhìn không thương vong do TNGT. Tại Việt Nam có nên theo đuổi tầm nhìn này?
Mọi người thường dùng từ “tầm nhìn” nhưng theo tôi nếu để hiểu cho đúng thì phải gọi là khát vọng. Không có người chết vì TNGT là khát vọng của mọi cá nhân, của mọi dân tộc trên thế giới. Chắc chắn không ai lại mong muốn có người chết vì TNGT.
Đây là khát vọng hết sức chính đáng và nhân văn mà mọi người cùng hướng đến. Nếu tất cả chúng ta, từ người xây dựng, thực thi pháp luật, người xây dựng cầu, đường, lái xe khách, xe tải, người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ… đều hướng đến và luôn tâm niệm về khát vọng này, chắc chắn tai nạn sẽ giảm.
Điều này giải thích tại sao Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đề cập các giải pháp triển khai đồng bộ, hệ thống cả 5 trụ cột trong đảm bảo ATGT là quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và ứng phó sau tai nạn.
Xây dựng pháp luật, xây dựng con đường, sản xuất phương tiện, người tham gia giao thông phải hướng đến khát vọng này. 5 trụ cột này gắn kết với nhau và không thể tách rời.
“Cùng với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNGT một cách chủ động, việc thực hiện các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân TNGT có tính nhân văn rất lớn”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.
Bên cạnh đó là thúc đẩy tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen, kiến thức, kỹ năng để làm sao tuân thủ luật lệ, tham gia giao thông an toàn ngày càng trở thành thói quen, thành phản xạ của đông đảo mọi người.
Nếu con người không có khát vọng, không có ước mơ bay lên không trung thì làm gì có máy bay, có tàu bay lên vũ trụ? Cho nên khát vọng không có người thương vong do TNGT là đúng quy luật phát triển của loài người.
Năm 2045 sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam. Tại sao chúng ta không có quyền ước mong đến ngày đó sẽ không còn thương vong do TNGT?
Còn 25 năm nữa, chúng ta có thời gian thay đổi, làm được nhiều điều, từ quy định pháp luật đến thiết kế bộ máy làm công tác đảm bảo ATGT; từ lực lượng chức năng đến công tác chỉ đạo phối hợp; thiết kế lại hệ thống quy định pháp làm cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ hiện đại vào đời sống trong đảm bảo trật tự ATGT.
Thậm chí, còn phải thay đổi lại quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để làm sao hệ thống pháp luật có thể phản ứng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả đối với những biến chuyển của khoa học công nghệ trong đời sống xã hội.
Khát vọng không có người thương vong do TNGT là khát vọng chính đáng và chỉ có khát vọng này mới thúc đẩy quá trình xây dựng, thực thi quy định pháp luật; thúc đẩy quá trình hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế để có hạ tầng an toàn, thân thiện và tiêu chuẩn phương tiện, có thể xảy ra va chạm nhưng con người được bảo vệ ngày càng an toàn hơn.
Mục tiêu này không có gì là phi thực tế và mỗi quốc gia, dân tộc đều hướng đến khát vọng này.
Nghĩa là chúng ta cần thay đổi tư duy, cách làm trong đảm bảo ATGT?
Trước hết cần khẳng định, TNGT là có thể phòng tránh được. Khi thay đổi được nhận thức sẽ thay đổi được hành vi, hành động, cách làm.
Chúng ta hay nói TNGT xảy ra là do ý thức người dân còn thấp. Tôi không nghĩ như vậy, phần lớn người dân có ý thức tuân thủ pháp luật và họ muốn tuân thủ pháp luật.
Tỷ lệ người tham gia giao thông cố tình vi phạm giao thông rất nhỏ. Trong một số trường hợp vi phạm, đi lên vỉa hè, không chấp hành quy tắc giao thông là do môi trường giao thông, thiết kế, tổ chức gia thông buộc họ vi phạm.
Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài họ tuân thủ rất tốt quy định tham gia giao thông của nước sở tại. Tuy nhiên, cũng con người đó khi về Việt Nam lại vi phạm đỗ xe không đúng quy định, vượt đèn đỏ.
Khi ở môi trường giao thông thuận lợi, rõ ràng, họ bị giám sát, bị xử lý nghiêm, hành vi tham gia giao thông của họ sẽ khác. Ngược lại, ở môi trường không thuận lợi, năng lực giám sát còn bất cập họ sẽ vi phạm.
Lúc đó không nên chỉ quy trách nhiệm cho người tham gia giao thông mà các cơ quan chức năng liên quan phải nhìn lại phương án tổ chức giao thông. Vấn đề này cũng vượt ra khỏi phạm vi chức năng của ngành GTVT vì nó liên quan đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và các không gian kinh tế xã hội dọc các tuyến giao thông.
Các vấn đề này cần tiếp tục hoàn thiện để thay đổi quan điểm không đổ lỗi cho người tham gia giao thông mà cần thiết kế môi trường thuận lợi, an toàn, giúp cho cho người tham gia giao thông dễ nắm bắt và thực hành quy định pháp luật.
Cần thay đổi tư duy bằng việc chú trọng môi trường thực hiện hành vi và năng lực giám sát xử lý vi phạm thay vì yêu cầu người tham gia giao thông phải thay đổi. Khi vào môi trường bị giám sát và xử phạt nghiêm họ sẽ thay đổi ý thức tham gia giao thông.
Khi muốn điều chỉnh hành vi tham gia giao thông thì vấn đề nhận thức, văn hóa của người dân chỉ một phần. Vấn đề cốt lõi là hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường để người dân thực thi các quy định pháp luật. Khi điều kiện thực thi tốt, chắc chắn hành vi của người dân thay đổi theo hướng tích cực.
Cùng đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý có liên quan trong từng vụ việc cụ thể. Khi xảy ra thực trạng mất ATGT hay TNGT, chúng ta đổ lỗi hết cho ý thức của người dân là không công bằng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận