Nghị lực của đôi vợ chồng trẻ
Những ngày cuối tháng 11/2021, về thôn Thượng Xuân, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hỏi thăm gia đình anh Vang, chị Nhung khuyết tật, dường như ai cũng biết. Bởi theo những người dân nơi đây, đôi vợ chồng này có hoàn cảnh éo le nhưng đã nỗ lực vượt lên số phận, tạo dựng hạnh phúc tròn đầy.
Rót chén nước mời khách, ông Trần Xuân Phúc (sinh năm 1960), bố anh Trần Xuân Vang (36 tuổi) cho biết, anh Vang bị căn viêm bệnh đa khớp khi anh vừa học hết lớp 9. Căn bệnh khiến anh Vang bị suy yếu đôi chân, không thể đi lại dễ dàng, mà luôn phải dùng nạng.
Còn vợ anh Vang là Nguyễn Tuyết Nhung (30 tuổi), bị tai nạn giao thông và phải cắt một chân.
"Hai con đều bị tật nguyền, đi lại đều phải nhờ hai cái nạng, nhưng may mắn là cả hai vợ chồng tàn mà không phế, vẫn lam làm, học hỏi, rồi cũng kiếm được chút tiền nuôi nhau, nuôi con", ông Hòa tự hào kể.
Trong góc bếp nhỏ, chị Nguyễn Thị Nhung, tên facebook là Nhung Nhím đang tất bật nấu nướng. Hiện chị Nhung là chủ của một shop online chuyên chế biến, kinh doanh đồ ăn khá đắt khách ở địa phương.
"Tôi mất một chân, đi lại có khó khăn hơn mọi người, nhưng tôi còn đôi tay, tôi có thể làm được nhiều việc. Mọi người hay trêu tôi "Nhung Nhím một chân, cân cả thế giới", chị Nhung vui vẻ cho hay.
Ở ngoài sân, anh Vang cũng bận rộn với công việc nuôi, kinh doanh chim cảnh của mình. Anh cho biết, do sức khỏe yếu, khó làm được việc nặng nên đã học nghề này, mỗi tháng cũng có thêm 2-3 triệu đồng để phụ giúp gia đình.
Nước mắt nuốt vào trong
6 năm trước, một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến đã cướp đi một chân và làm chị Nhung bị tổn thương cơ thể 81%. Tai họa ập đến ở độ tuổi xuân thì khiến có những thời điểm, chị Nhung từng rơi vào bi luỵ, muốn buông bỏ tất cả.
Nhưng rồi nghĩ thương cha mẹ mất bao công nuôi mình khôn lớn, chạy chữa chăm sóc cho mình suốt bao tháng ngày, chị Nhung lại gượng dậy. Biết điều kiện sức khỏe mình không còn như trước, vốn sẵn khéo tay, chị chọn nghề kinh doanh thực phẩm online.
"Chế biến và kinh doanh đồ ăn rất vất vả và bận rộn. Nhiều hôm, tôi phải nhảy lò cò hầu như suốt cả ngày, từ sáng sớm đến tối khuya. Những hôm đó, lực của cơ thể dồn vào một bên chân nên chân bị căng cơ, chuột rút, đêm về đau nhức, không ngủ được. Hoặc là những hôm trở trời, thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh, các đầu dây thần kinh của cái chân cụt thường lên cơn co giật, đau ứa nước mắt", chị Nhung chia sẻ.
Chỉ với một chiếc chân, đi lại khó khăn song chị Nhung tự thực hiện hầu hết các công việc sơ chế, chế biến, đóng gói đồ ăn, giao hàng cho khách. Chị tự mày mò, tự học và nấu các món ăn dễ thu hút khách như: vịt nướng, vịt rang muối, gà chiên mắm, bánh xèo, cháo gà…
Rồi trời không phụ lòng người nỗ lực, với tay nghề của mình, cửa hàng thực phẩm online của chị Nhung ngày càng đông khách.
Hai năm sau vụ tai nạn, cơ duyên và sự đồng cảm sâu sắc đã kết nối chị Nhung đến với anh Vang, người con trai chăm chỉ, cũng có sức khỏe và đôi chân đặc biệt yếu.
Bà Nguyễn Thị Lụa, thôn Thượng Xuân, hàng xóm của gia đình chị Nhung cho biết, 4 năm trước, khi chị Nhung mới lấy anh Vang, bà con xóm làng rất ái ngại cho đôi vợ chồng tật nguyền, yếu ớt.
"Thế nhưng, đến nay, mọi người đều khâm phục nghị lực vượt lên số phận của đôi vợ chồng Nhung - Vang và phấn khởi cho thành quả kinh doanh, nuôi con cái khỏe mạnh của vợ chồng hai cháu", bà Lụa chia sẻ.
Sau 4 năm kết hôn, đến nay vợ chồng anh chị Vang - Nhung đã có hai con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Hai em bé ra đời, là niềm vui, hạnh phúc lớn lao khiến anh chị cần phải nỗ lực hơn bao giờ hết.
Chị Nhung cho biết, anh chị may mắn còn có bố mẹ chồng tuy đã già nhưng vẫn còn khỏe mạnh để chia sẻ, giúp đỡ trông cháu.
Nói về tương lai, chị Nhung cho biết, chỉ mong muốn hai vợ chồng có đủ sức khỏe để làm lụng, nuôi con khôn lớn. Chị cũng mong cửa hàng nhỏ của mình phát triển ổn định, trước mắt để chị có thể dành dụm mua chân giả cho mình.
"Khi các con biết đi, biết chạy, tôi ngồi một chỗ nhìn theo nhưng không thể bế con, đuổi theo các con, trông con được, cảm giác bất lực, tủi thân. Tôi mơ ước có thể lắp chân giả, để theo con như bao người mẹ khác, nhưng hoàn cảnh gia đình hiện chưa cho phép", chị Nhung tâm sự.
Anh Nguyễn Như Hải, Bí thư Đoàn xã Bách Thuận đánh giá: Nhung rất nghị lực, năng động, sáng tạo, chịu khó, nhờ đó nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ may mắn có sức khỏe tốt, chân tay đầy đủ, đi lại thuận lợi, nhưng chưa làm được như Nhung. Đây cũng là tấm gương để nhiều bạn trẻ học tập.
"Nhiều người ái ngại thay cho số phận khắc nghiệt của cô gái trẻ, nhưng chính cô gái tật nguyền này lại chọn cho mình tư duy, lối sống lạc quan, yêu đời", anh Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận