Địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) có 7 tuyến đường, gồm: tuyến đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 673 và 5 tuyến đường cấp huyện ĐH81, ĐH82, ĐH83, ĐH84, ĐH85.
Trong đó, đường Hồ Chí Minh vẫn sử dụng bình thường, tuyến đường huyện ĐH84 vừa được đầu tư nâng cấp. Còn lại hầu hết các tuyến đường đều trong tình trạng xuống cấp nặng.
Nhiều đoạn đường DH83 từ thị trung tâm huyện Đắk Glei đi Đak Nhoong bị sạt lở ta luy âm vào cả nền đường
Nặng nhất phải kể đến tuyến đường ĐH81 (từ ngã ba Măng Khênh đi xã Đăk Blô) có tổng chiều dài hơn 21 km. Tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng, mùa mưa các phương tiện không thể lưu thông. Vào mùa khô việc đi lại cũng vô cùng gian nan, khó khăn.
Tuyến đường ĐH81 có quy mô đường cấp VI, nền đường từ 5-7m, kết cấu mặt đường chủ yếu bằng bê tông nhựa, xi măng đã được đầu tư từ rất lâu đến nay đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
Đặc biệt, vào thời gian xảy ra mưa bão hàng năm thường xảy ra sạt lở taluy, nền mặt đường, cống bị cuốn gãy gây tắc nghẽn giao thông dài ngày, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Tương tự, đường ĐH 83 (từ thị trấn Đăk Glei đi xã Đăk Nhoong, Đăk Plô) cũng xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường xuất hiện hàng trăm “ao nước” nối tiếp nhau, chiếm hết mặt đường. Ngoài ra, dọc tuyến đường xuất hiện nhiều điểm sạt lở ta luy âm lấn sâu vào nền đường rất nguy hiểm.
Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch đảm bảo an ninh quốc phòng, thông thương đi lại của nhân hai xã Đăk Nhoong và Đăk Plô với trung tâm thị trấn huyện Đăk Glei. Hàng ngày, lưu lượng phương tiện đi lại trung chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân trong vùng là rất lớn.
Nguy hiểm đường lên biên giới xã Đak Nhoong khi đang bắt đầu mùa mưa
Ông A Tiểu-thôn Pêng Sal Pêng (thị trấn Đăk Glei) cho biết: Nhà mình rẫy ở xã Đăk Nhoong nên ngày nào cũng đi trên đường này vài lần.
Đường hư hỏng nhiều quá, mặt đường chằng chịt "ổ trâu, ổ voi" nên đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa, nhiều hố to tạo thành những chiếc ao lớn giữa đường, chỉ cần thiếu chú ý quan sát hoặc không quen đường là bị sụp hố. Bà con mong nhà nước quan tâm sớm đầu tư, sửa con đường để người dân đi lại thuận lợi hơn.
Ông A Nang, Chủ tịch HĐND xã Đăk Nhoong cho biết: Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cử tri trong xã đã phản ánh và đề nghị quan tâm sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này để tạo điều kiện cho người dân trong việc đi lại, đồng thời để hàng hóa nông sản của người dân làm ra không bị tư thương ép giá vì đường đi lại khó khăn...
Đường tỉnh lộ 673 bị hư hỏng xuống cấp nhưng không đủ kinh phí bảo dưỡng
Không chỉ tuyến đường huyện bị hư hỏng mà tuyến Tỉnh lộ 673 từ ngã ba Đăk Tả đến xã Ngọc Linh dài khoảng gần 40km cũng bị hư hỏng nhiều.
Tuyến đường này đi qua 3 xã Đăk Choong, Mường Hoong và Ngọc Linh được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2005, tuy nhiên, do nhiều yếu tố, con đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo phục vụ cho việc đi lại của hàng trăm hộ dân tại các xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh. Qua nhiều năm mưa lũ đã làm tuyến đường hư hỏng rất nhiều.
Dọc tuyến đường xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi như những “cái bẫy” khiến việc đi lại của người dân và phương tiện giao thông khó khăn và nguy hiểm. Đặc biệt, trên dọc tuyến, xuất hiện những điểm sạt lở phía taluy âm ăn vào nền đường.
Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, nhiều tuyến đường trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trong khi đó, kinh phí của huyện có hạn nên chỉ sửa chữa tạm thời và cắm biển báo, do đó nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Ngoài các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, sau các đợt bão năm 2020, 2021, toàn huyện có 64 chiếc cầu treo thì 40 chiếc bị hư hỏng.
Không chỉ đường sá xuống cấp, mất ATGT, trên địa bàn huyện Đăk Glei còn có đến 40 chiếc cầu treo bị hư hỏng
Cũng theo ông Tứ, để có thể sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó huyện không có khả năng để thực hiện. Do đó cần sự quan tâm, đầu tư xây dựng từ các cấp có thẩm quyền nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.
Mùa mưa năm nay nếu các tuyến đường trên không được khắc phục sớm, tình trạng sạt lở đất, khu dân cư bị chia cắt, cô lập là khó tránh khỏi.
Do đó, người dân các xã biên giới, vùng sâu huyện Đăk Glei đang mong chờ các tuyến đường sớm được nâng cấp, sửa chữa để thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…
Theo Sở GTVT Kon Tum, năm 2020 và năm 2021 mưa lũ nhiều nên các tuyến đường tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn hư hỏng nặng. Tuy nhiên, vốn bảo trì đường bộ cho các tuyến đường này còn ít, mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu thực tế.
Năm 2022, tỉnh Kon Tum cũng tăng cao hơn số tiền bảo trì so với năm 2021. Sở GTVT đang phối hợp với các địa phương rà soát lại những tuyến đường hư hỏng nặng, nơi đông dân cư để có kế hoạch sửa chữa sớm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận